Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cuộc chiến" taxi: Tại cơ chế quản lý lỗi thời?

Tuấn Lương| 03/03/2017 07:08

(HNM) - Tại hội thảo về “Đổi mới quản lý hoạt động taxi bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng đi xe taxi” mới đây, đại diện các hãng taxi đã

Uber, Grab không bị khống chế về số lượng xe và cước phí.


Taxi truyền thống "kêu khổ"

Khẳng định đang có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và loại hình xe chở khách ứng dụng công nghệ mới, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, taxi truyền thống đang phải tuân thủ 13 điều kiện ngặt nghèo như: Bãi đỗ, giấy phép tần số, lô gô, bảng giá, đồng phục, chứng chỉ tập huấn, bảo hiểm xã hội, không được đi vào đường cấm, niên hạn xe taxi chỉ được 8 năm… Trong khi đó, xe chở khách dùng ứng dụng Uber, Grab không cần bất cứ điều kiện ràng buộc gì và tùy ý gia tăng số lượng xe.

Taxi bị kiểm soát giá cước, nhưng xe Uber, Grap lại không bị quản lý, tùy ý tăng giá vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, từ năm 2011 tới nay, taxi bị khống chế tăng số lượng phương tiện thì cơ quan quản lý lại buông lỏng với xe Uber, Grab. TP Hà Nội đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho gần 7.000 xe, nhưng thực tế số lượng xe Uber, Grab hoạt động ở Hà Nội nhiều hơn số xe đăng ký.

Lo ngại sự phát triển lấn lướt của Grab, Uber có thể dẫn đến phá sản các hãng taxi, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh nhận định, cách tính thuế Grab, Uber hiện nay (3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng) là thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống đang gánh chịu gồm 10% thuế giá trị gia tăng, 20% thu nhập doanh nghiệp. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi và Uber, Grab mà còn thất thu cho ngành Thuế. Thêm vào đó, từ năm 2010 tới nay số lượng xe taxi tại TP Hồ Chí Minh bị khống chế ở mức 11.000 xe. Thế nhưng, cơ quan chức năng lại cấp phù hiệu xe hợp đồng cho hơn 20.000 xe từ 9 chỗ trở xuống, phần lớn những xe này sử dụng ứng dụng Uber, Grab để kinh doanh. Vì vậy, năm 2016 sản lượng, doanh thu của taxi ở TP Hồ Chí Minh giảm hơn 10%.

Phải thay đổi, thích nghi

Cần sớm lập lại sự công bằng giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ mới là quan điểm được lãnh đạo các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi nhấn mạnh. “Uber, Grab cũng phải chịu chung mức thuế đang áp dụng với taxi truyền thống. Nếu thuế suất khác nhau thì chắc chắn sẽ có giá cước khác. Taxi truyền thống cũng được áp dụng mức thuế suất như 2 đơn vị trên thì giá cước "mềm" hơn, sự cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải sẽ thực sự công bằng. Chúng tôi kiến nghị thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp taxi và Grab, Uber nên ở mức 5%” - ông Tạ Long Hỷ nói.

Nhiều doanh nghiệp taxi khẳng định các hãng taxi chấp nhận cạnh tranh, nhưng phải bình đẳng trong quản lý về áp thuế giữa 2 loại hình này, khống chế về số đầu xe đang kinh doanh, đăng ký giá và chịu sự quản lý giá... Ông Đỗ Quốc Bình kiến nghị, các xe Uber, Grab phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, không thể phát triển tràn làn. Nếu thấy không quản lý được thì nên dừng đề án thí điểm, để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, ngay trong giới doanh nghiệp taxi truyền thống cũng có những ý kiến tích cực trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh cho rằng, Uber và Grab tiết giảm chi phí quản lý nhờ ứng dụng công nghệ. Các hãng taxi truyền thống cũng cần áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem xét lại tất cả quy trình quản lý, chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả khai thác và bắt kịp xu thế thời đại.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, có sự cạnh tranh bất bình đẳng là do cơ chế đã lỗi thời. Chính sách giá phụ thuộc vào chính sách thuế và phí của Nhà nước. Hiện nay, thuế và phí với taxi truyền thống bất bình đẳng là do cơ chế chứ không phải do Uber, Grab nên phải đổi mới về cơ chế. Mặt hàng nào độc quyền thì Nhà nước phải quy định giá trần, nếu cạnh tranh thực sự thì để chủ động về giá, không ngăn cản, triệt tiêu làm hạn chế sự phát triển cái mới.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, các đơn vị vận tải phải thay đổi cách quản lý. "Bài học" Uber và Grab cho thấy chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi hiện quá đắt đỏ. Việc bình đẳng về thuế phí cũng rất quan trọng, Nhà nước nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Trong cách ứng xử với các mô hình kinh doanh mới, rất ít quốc gia đưa ra quyết định cấm hay từ chối, mà phải làm sao để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi, hội nhập với quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc chiến" taxi: Tại cơ chế quản lý lỗi thời?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.