(HNM) - Bangkok không còn "nóng bỏng" trong 24 giờ qua, song cuộc tập hợp của hàng trăm người thuộc nhóm "đa sắc màu" tại Công viên Vua Rama 9 trên đường Sinakarin, phản đối cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" thuộc Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) đã kéo dài cả tuần qua khiến chính trường Thái Lan lại càng trở nên phức tạp hơn.
Trước đó, hàng loạt vụ nổ (tối 22-4) tại Bangkok làm gần 100 người chết và bị thương đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới khuyến cáo công dân không nên đến thủ đô của Thái Lan trong lúc này.
Ngày 24-4, nhóm “đa sắc màu” đã biểu tình tại Bangkok để phản đối phe “áo đỏ”. |
Lên tiếng chỉ trích gay gắt lãnh đạo UDD biểu tình chống Chính phủ, nhóm "đa sắc màu" cho rằng, yêu sách đòi giải tán Hạ viện của UDD sẽ khiến các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ liên minh không phát huy tác dụng, đồng thời khẳng định tiếp tục "phản biểu tình" tại Bangkok để ủng hộ Chính phủ cho đến khi những người "áo đỏ" giải tán. Trong khi đó, những người "áo đỏ" vẫn khăng khăng đòi giải tán Hạ viện và xem đây là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột chính trị hiện nay. Mâu thuẫn này một lần nữa cho thấy, tìm kiếm sự ổn định ở Thái Lan hiện nay là bài toán khó với Chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Bất ổn trên chính trường Thái Lan tiếp diễn trong bối cảnh Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) vừa gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp nước này đề nghị giải tán đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Theo cáo buộc của EC, đảng Dân chủ - chính đảng lâu đời nhất ở Thái Lan - đã gây quỹ chính trị trái phép với khoản tiền 258 triệu bath (7,98 triệu USD) từ Công ty TPI Polene để chi cho chiến dịch bầu cử năm 2005. Quyết định của EC như một "quả bom tấn" giáng mạnh vào đảng Dân chủ cầm quyền, làm tăng thêm áp lực lên Thủ tướng Abhisit trong bối cảnh những người ủng hộ UDD không có dấu hiệu sớm rời Bangkok.
Dư luận từ Bangkok cho rằng, tình thế của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hiện còn khó khăn hơn so với nội các tiền nhiệm khi phe "áo vàng" phong tỏa sân bay Suvarnabhumi năm 2008. Nếu lấy vụ "áo vàng" năm 2008 làm ví dụ, tiến trình phán quyết giải tán đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit hiện nay phải mất ít nhất 3 tháng. Song, điều khiến dư luận Thái Lan hết sức lo ngại là, cho dù đảng Dân chủ bị giải tán, một cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức thì những rối ren trên chính trường Thái Lan chưa thể kết thúc, bởi mâu thuẫn giữa các phe phái vẫn còn đó.
Tình trạng bất ổn ở Bangkok trong tuần không chỉ là thách thức lớn của Chính phủ Thái Lan, mà còn trở thành mối lo của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cảnh báo công dân hết sức cẩn trọng nếu đến Thái Lan vào lúc này; trong đó, 13 nước và vùng lãnh thổ khuyến cáo công dân tránh xa thủ đô Bangkok. Cùng với Liên hợp quốc, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tại Bangkok hiện nay; đồng thời thúc giục tất cả các bên liên quan ở Thái Lan kiềm chế, cùng giải quyết tình hình trong hòa bình thông qua đối thoại. Mối lo này là có cơ sở; bởi nếu tình trạng bạo lực tiếp diễn, tính mạng của công dân nhiều nước đang sinh sống, làm việc, du lịch tại đây sẽ bị đe dọa.
Giữa lúc căng thẳng trên chính trường Thái Lan chưa có lối thoát, hy vọng đã lóe lên khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tối 23-4 tiếp tục khẳng định muốn giải quyết xung đột chính trị trong nước và sẵn sàng ra đi nếu điều đó đem lại lợi ích cho dân tộc và đất nước. Phe "áo đỏ" cũng vừa có dấu hiệu nhượng bộ khi đưa ra thời hạn 30 ngày để Thủ tướng Abhisit Vejjajiva giải tán Hạ viện, thay vì yêu sách đòi giải tán ngay lập tức. Những kiến giải mới nhất của Chính phủ Thái Lan và UDD khiến người ta hy vọng tình hình Bangkok sẽ tiếp tục bớt "nóng" trong 24 giờ tới.
Rõ ràng, con đường có lợi duy nhất để tìm sự ổn định chính trị hiện nay tại Thái Lan vẫn là đối thoại hòa bình; và chỉ như vậy, cuộc chia rẽ "sắc màu" đang diễn ra tại đất nước này mới có cơ hội chấm dứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.