(HNM) - Sáu tháng qua, cả nước đã xảy ra hơn 10.500 vụ tai nạn giao thông, khiến 4.320 người chết và 9.116 người bị thương. Đáng lưu ý là, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; nhiều sự cố uy hiếp an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là tai nạn giao thông cả đường bộ và đường thủy trong tháng 5 và tháng 6 tăng cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết, số người bị thương - như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 1095/CĐ-TTg, ngày 24-6-2016.
Nếu được so sánh, có thể ví nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông giống như một cuộc chiến. Đây là cuộc chiến không tiếng súng, mà chỉ cần lơ là giây lát thì hậu quả thực sự khó lường: Đấy là, hàng nghìn người tử vong vì tai nạn giao thông mà trong đó, rất nhiều người đang ở độ tuổi lao động, thậm chí là trụ cột của các gia đình; đấy là, hàng nghìn người có thể phải gánh chịu di chứng (bởi tai nạn) suốt đời và phải sống cảnh tật nguyền, phụ thuộc; đấy là, gánh nặng về xã hội với những chi phí y tế, bảo hiểm...
Những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông liên tục xảy ra đã được chỉ rõ. Trước hết là ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn thấp. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, kết cấu hạ tầng, kiểm định phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa còn nhiều thiếu sót. Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ thực thi công vụ hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có hiện tượng dung túng, tiếp tay các hành vi vi phạm của lái xe, chủ xe. Tức là, nguyên nhân có cả ở khía cạnh khách quan (điều kiện hạ tầng, phương tiện, thời tiết) lẫn chủ quan (ý thức người tham gia giao thông, trách nhiệm người làm công tác quản lý...).
An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà. Bảo đảm an toàn giao thông không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn cả ý thức, quyết tâm của toàn thể cộng đồng để kiên quyết đẩy lùi thực trạng đau lòng - mỗi năm số người tử vong vì tai nạn giao thông ở mức tương đương quân số một sư đoàn.
Rõ ràng, nếu nỗ lực thực hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp, hoàn toàn có thể giảm thiểu tai nạn giao thông cùng những hậu quả đau xót của nó. Trước hết, Bộ Giao thông - Vận tải, chính quyền các địa phương phải rà soát, khắc phục dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cả đường thủy, đường sắt, đường bộ, trên tất các tuyến quốc lộ, đường huyết mạch, tỉnh lộ, huyện lộ... Thứ hai, tự thân mỗi người tham gia giao thông phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hành, đặc biệt là ý thức tự bảo vệ cũng như giữ an toàn cho người khác. Ở đây, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan chức năng, phương tiện thông tin đại chúng góp phần quan trọng. Thứ ba, các lực lượng chức năng, bao gồm Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm một cách nghiêm minh. Mặt khác, phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với người thừa hành công vụ làm chưa hết trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực trong kiểm tra, xử lý vi phạm như nhận hối lộ, bảo kê...
Ở đây, cần nói thêm là thời gian qua, các chế tài xử lý vi phạm về giao thông (cả đường bộ và đường thủy) liên tục được tăng lên. Vấn đề nằm ở chỗ, chế tài được điều chỉnh theo hướng tăng nặng, đủ sức răn đe, thực sự là công cụ điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông chứ không phải là cơ hội để người thừa hành công vụ “nâng mức thỏa thuận” với người vi phạm. Chỉ khi đó, luật pháp mới có tác dụng nâng cao ý thức người tham gia giao thông, từ đó mỗi người có ý thức trách nhiệm hơn khi ngồi sau tay lái, khi đi bộ... Và cũng chỉ khi đó, người thừa hành công vụ mới làm hết trách nhiệm của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.