Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc chiến chống "sát thủ thầm lặng"

Thu Trang| 04/08/2014 06:31

(HNM) - Do tính chất nghiêm trọng của bệnh viêm gan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát đi thông điệp về sự cần thiết phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống lại căn bệnh này trên phạm vi toàn cầu, khẩu hiệu được đưa ra là


Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, các bệnh lây nhiễm đang có diễn biến phức tạp, trong đó, đáng lưu ý nhất là bệnh viêm gan virus C và B. Tại Việt Nam, ước tính có 15-20% dân số bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C mạn tính; nhiều trường hợp tử vong vì xơ gan và ung thư gan có liên quan tới siêu vi B, C.

Để hạn chế tình trạng lây nhiễm virus viêm gan B, C trong cộng đồng, mỗi người dân nên tiêm phòng sớm và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ảnh: Như Ý



Tại buổi mít tinh hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày thế giới phòng chống viêm gan 2014 diễn ra vào đầu tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, hiện nay, nhờ có chương trình tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh nên số người mắc mới viêm gan siêu vi B đã giảm; tuy vậy, bệnh viêm gan siêu vi C đang ở mức báo động, được ví như "sát thủ thầm lặng". Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, số người nhiễm bệnh viêm gan virus C chiếm khoảng 6% dân số (khoảng 4-6 triệu người). Dự báo, số người mắc đang có chiều hướng gia tăng do phần lớn người dân chủ quan, người mắc bệnh thiếu kiến thức về bệnh, không hiểu về tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan ở giai đoạn đầu.

Nói về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết, bệnh nguy hiểm ở chỗ là ngoài nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, hầu hết người bị nhiễm loại virus này không có biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu. Nhiều người nhiễm bệnh tới vài chục năm, cho đến khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng - dẫn đến xơ gan, ung thư gan thì mới biết mình mắc bệnh. "Việc phát hiện bệnh quá muộn gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị, dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Đó là điều đáng tiếc bởi bệnh viêm gan virus C hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm", ông Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Theo TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, chi phí điều trị cho những người nhiễm virus viêm gan C rất tốn. Với mỗi bệnh nhân viêm gan virus B, chi phí điều trị trung bình ở mức 2,5-3,5 triệu đồng/tháng thì việc điều trị cho người mắc viêm gan virus C vào khoảng 60-200 triệu đồng/năm và ngoài số tiền này, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh cũng bị giảm sút rõ.

Theo WHO, trên thế giới, mỗi năm có 3-4 triệu người mắc mới virus viêm gan C. Bệnh viêm gan siêu vi B chủ yếu lây từ mẹ sang con; viêm gan siêu vi C chủ yếu lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch tiết nên dễ lây lan trong cộng đồng. Những người tiếp xúc với kim tiêm, dịch nhầy có nhiễm virus viêm gan C; người từng trải qua các thủ thuật y tế như truyền máu, lọc máu có tái sử dụng kim tiêm, ống tiêm, ống thông hay các trang thiết bị y khoa khác; người được khám- chữa răng với dụng cụ không tiệt trùng hay châm cứu, xăm da, sử dụng các thủ thuật thẩm mỹ... đều thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.

Tầm soát bệnh thường xuyên và điều trị bệnh sớm

Theo ông Lê Văn Tuân, đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam, viêm gan do virus thực sự là mối đe dọa y tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Viêm gan C được coi là "sát thủ thầm lặng" vì nhiều người nhiễm bệnh không cảm thấy mình bị bệnh và cũng không biết mình đã bị nhiễm virus này. Một số người chỉ có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sậm màu... và một số triệu chứng như đau cơ, đau khớp, viêm khớp, đổ mồ hôi đêm, ngứa da, mắt khô, loét miệng, hạch lớn. Vì biểu hiện không rõ ràng nên nhiều người bệnh thường không để ý, chỉ đến khi các triệu chứng rõ hơn thì bệnh nhân mới đi khám, lúc đó bệnh đã nặng, chuyển sang giai đoạn mạn tính, thậm chí chuyển thành xơ gan và ung thư gan. Những khó khăn trong việc phòng- phát hiện cũng như chữa bệnh đã khiến số tử vong có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, thế giới có hơn 185 triệu người nhiễm viêm gan C và có 350 nghìn trường hợp tử vong mỗi năm.

Viêm gan C thực sự là căn bệnh nguy hiểm nhưng theo ông Nguyễn Văn Kính, điều nghịch lý là hiện có nhiều người chỉ quan tâm xét nghiệm viêm gan siêu vi B, thường bỏ qua việc xét nghiệm viêm gan siêu vi C. Nói "nghịch lý" là bởi bệnh viêm gan siêu vi C dễ lây lan trong cộng đồng và tỷ lệ tự khỏi bệnh cũng thấp hơn so với người mắc viêm gan siêu vi B. Theo thống kê, có đến 90% số người mắc bệnh viêm gan B có thể tự khỏi; với bệnh nhân viêm gan siêu vi C, con số này chỉ là 15-45%. Số liệu nói trên cho thấy, với bệnh nhân viêm gan siêu vi C, việc phát hiện bệnh mang ý nghĩa sống còn. "Với những phương pháp điều trị tiên tiến như hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi lên tới hơn 80% nếu phát hiện bệnh sớm và tuân thủ quy trình điều trị. Chính vì thế, việc chủ động xét nghiệm, tầm soát là biện pháp tốt nhất để hạn chế lây lan và điều trị dứt điểm căn bệnh này", ông Nguyễn Văn Kính khẳng định.

Cuộc chiến chống virus viêm gan tại Việt Nam chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi cộng đồng không nhận thức đầy đủ về mối nguy hại của căn bệnh này cũng như cách phòng chống. Để hạn chế số người mắc cũng như tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, mỗi người nên tuân thủ chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên điều trị sớm khi mắc bệnh để tránh hậu quả nặng nề. Với viêm gan B, biện pháp quan trọng nhất là tiêm phòng; còn với viêm gan siêu vi C, người dân nên chủ động tham gia tầm soát bệnh định kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống "sát thủ thầm lặng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.