(HNM) - Với chính sách chú trọng tiêu thụ hàng Việt của một số siêu thị lớn như Saigon Co.op, BigC… hiện đường vào siêu thị của các doanh nghiệp (DN) nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã rộng mở hơn. Tuy nhiên, để vào được siêu thị, các DN nhỏ phải đổi mới toàn diện mới đáp ứng được
Cơ hội cho hàng độc, lạ
Những tháng gần đây, người tiêu dùng ở hệ thống siêu thị BigC đã quen mắt với loại cà chua mà mỗi trái to đến gần 1kg, có tên gọi là cà chua Beef. Theo "chủ nhân" của loại cà chua này - bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc (tỉnh Lâm Đồng) thì hiện cà chua Beef đang bán rất chạy. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chỉ cách đây mấy tháng, bà Cúc không biết làm sao để "cho đi" hết 3 - 4 tấn cà chua Beef vừa thu hoạch. Bởi, khi bà mang cà chua quả to từ 0,6kg đến 1kg ra chợ bán thì người tiêu dùng nghi là hàng Trung Quốc, có dùng thuốc kích thích nên không mua. Tìm đến BigC, bà Cúc được đơn vị này đồng ý tiêu thụ hết số lượng cà chua bà đang có.
Đưa hàng vào siêu thị là hướng kinh doanh bền vững cho các doanh nghiệp. |
Theo bà Phạm Thị Thu Cúc, cà chua Beef không bán được ngoài chợ không chỉ vì quá lớn so với cà chua thường mà còn vì giá thành đắt gấp 4 - 5 lần cà chua thường do hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn và chi phí đầu vào cũng rất cao. Hiện bà đã ký kết được hợp đồng cung cấp cho Big C mỗi tháng 1,5 tạ cà chua. Dự tính nếu tiêu thụ tốt bà sẽ nhân rộng diện tích lên khoảng vài hécta.
Ông Nguyễn Phú Tia, chủ sản xuất cơ sở Rượu mận Sáu Tia (TP Cần Thơ) cho biết, ông mày mò sản xuất rượu bằng trái mận (quả roi - PV) từ năm 2012 nhưng tiêu thụ rất hạn chế. Sau khi tiếp xúc với đại diện siêu thị BigC, được hướng dẫn nâng cấp thành Công ty TNHH MTV sản xuất Rượu mận Sáu Tia thì thương hiệu rượu của ông đã được đưa vào siêu thị và được nhiều người tìm đến mua hơn.
Chú trọng gây dựng thương hiệu
Theo ông Lê Thành Trung, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của hệ thống siêu thị BigC, đơn vị này rất chú trọng trong phát triển hợp tác với các DNVVN ở địa phương để phát triển thế mạnh sản phẩm vùng, miền, đặc sản. Vì vậy, từ cuối năm 2013, trung tâm đã ra đời để hỗ trợ cho sản phẩm của các DNVVN vào siêu thị.
Còn ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Coo.op cũng cho biết, hỗ trợ các DNVVN đưa hàng vào siêu thị là việc làm thường xuyên của DN từ nhiều năm nay. Ở các đơn vị thu mua của SaigonCo.op luôn có một bộ phận chuyên đi tìm kiếm, tiếp xúc và hỗ trợ đưa các DN nhỏ vào siêu thị. Hiện Co.opmart đang phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) chọn 10 DNVVN để hỗ trợ huấn luyện đào tạo. Theo đó, sẽ hướng dẫn những thủ tục về giấy tờ, xây dựng nhãn hiệu, tem nhãn… để đưa hàng vào siêu thị.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cho biết, năm 2014 có hơn 80 DN nhỏ, mới thành lập ở các địa phương được người tiêu dùng bầu chọn là DN HVNCLC. Điều này có nghĩa là có hàng loạt DN nhỏ đã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng. Vì vậy, năm nay Hội, BSA và Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) đặt mục tiêu chú trọng hỗ trợ cho các DN nhỏ và DN đặc sản địa phương phát triển, đưa hàng vào siêu thị để kinh doanh bền vững.
Theo ông Lê Thành Trung, có nhiều sản phẩm của các cơ sở, các DNVVN ở địa phương đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thâm nhập được vào siêu thị thì các cơ sở này phải đáp ứng được đầy đủ giấy tờ pháp lý, hiểu rõ những khắt khe của ngành bán lẻ hiện đại về chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa quy cách sản phẩm (mã số mã vạch, quy định tem nhãn…) và phải sản xuất ổn định, quy mô đủ để cung cấp cho siêu thị. Đặc biệt, các DN nhỏ muốn vào siêu thị thì phải cần dựng thương hiệu.
Việc đưa hàng đặc sản vào siêu thị giúp cả 3 bên là nhà sản xuất, siêu thị và người tiêu dùng đều được lợi. Người sản xuất bán được hàng, siêu thị có nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn; bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm tại địa phương bảo đảm cho siêu thị có giá tốt hơn là sản phẩm phải cộng thêm tiền vận chuyển từ xa. Thế nhưng, dù được hỗ trợ, nhiều DN cũng phản ánh việc kiếm một "chỗ đứng" trên kệ siêu thị của các DN nhỏ trên thực tế không hề dễ dàng bởi hàng loạt thủ tục và cuộc "chạy đua" về giá, về chiết khấu, khuyến mãi… với nhiều sản phẩm khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.