Chuyện đó đây

“Cuộc cách mạng” của Nhà hát tương tác Prato

Phùng Nhật 02/06/2024 14:45

Khi nói đến sân khấu ở trường tiểu học, người ta thường nghĩ đến những cái cây bằng xốp, ngôi nhà gỗ và những đứa trẻ đứng hát. Nhưng Nhà hát tương tác Prato đã phá vỡ mô hình đó bằng cách tạo ra các buổi biểu diễn tiên phong, đa lĩnh vực, kết hợp ánh sáng, âm nhạc, khiêu vũ, điêu khắc, phương tiện kỹ thuật số thành một trải nghiệm sống động có một không hai cho trẻ em.

4(1).jpg
Một buổi biểu diễn của Nhà hát tương tác Prato.

Tương tác bằng công nghệ

Nhà hát tương tác Prato - chương trình sân khấu thử nghiệm cho trẻ em đã giành được nhiều giải thưởng trên toàn thế giới - là một sáng kiến của công ty hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật TPO, được thành lập vào năm 1999 tại thành phố Prato, Italia. Công ty này đã xây dựng mô hình rạp hát tiên phong, trong đó, việc sử dụng hợp lý các công nghệ tương tác đã tạo ra môi trường sân khấu sống động.

Đặc trưng sân khấu Nhà hát tương tác Prato là tính trực quan. Các buổi biểu diễn của TPO nổi tiếng với việc sử dụng những thiết bị cảm ứng, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để biến không gian sân khấu thành nơi tương tác giữa người xem và người biểu diễn. Công nghệ này tạo ra môi trường sân khấu "nhạy cảm", nơi trẻ em có thể khám phá không gian và phát hiện ra rằng nó phản ứng với lời nói, hành động của chúng "theo một cách nhất định". Điều này khiến trẻ trở thành người chủ động trên sân khấu.

Mặc dù mỗi màn trình diễn đều khác nhau do sự ngẫu hứng giữa các vũ công và trẻ em, nhưng vẫn có một cốt truyện cơ bản liên quan đến tác phẩm. Ví dụ, vở kịch có tên “Erbo: Khu rừng trong thành phố” có nội dung liên quan tới sự phát triển của một cộng đồng đô thị. Một trong những vũ công đóng vai trò là kiến ​​trúc sư, bố trí các ngôi nhà và đường phố, trong khi vũ công còn lại tập trung vào thiên nhiên. Khi thành phố phát triển, trẻ em đóng góp bằng cách tô màu và đóng vai người dân sinh sống ở đó, rồi chính chúng phát hiện ra sự hài hòa bị thách thức bởi một nhà máy được xây dựng trong thị trấn. Để đáp lại, các vũ công cùng với trẻ em tạo ra một không gian mới phù hợp với ước mơ chung của các em về một thành phố hòa hợp với thiên nhiên. Điều thú vị là khi vở diễn được thực hiện ở một thành phố khác, trẻ em ở đó sẽ được “tô màu” chính khung cảnh thành phố nơi mình sinh sống và tự tạo ra hệ sinh thái mơ ước của mình.

Nhờ sử dụng công nghệ tương tác, TPO không chỉ mang đến một vở diễn mà còn biến buổi biểu diễn thành nơi có thể trải nghiệm ranh giới thú vị giữa nghệ thuật và vui chơi. Ở đó, các vũ công, người biểu diễn và khán giả tương tác với nhau để khám phá các hình thức biểu đạt mới vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Ngoài việc mang đến những vở diễn độc đáo, TPO còn tham gia vào các dự án nghệ thuật dành cho trẻ em mắc chứng tự kỷ, trẻ kém may mắn...

Khơi dậy đam mê nghệ thuật

Bằng cách sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để tạo ra môi trường sân khấu hấp dẫn và giàu cảm xúc cho trẻ em, TPO đã được mời lưu diễn ở khắp nơi trên thế giới. Mô hình sân khấu của họ được đánh giá là truyền cảm hứng làm thay đổi quan điểm về sân khấu thiếu nhi. TPO đã giành được giải thưởng về đổi mới nghệ thuật ở Trung Quốc, Italia, Ba Lan, Tây Ban Nha và Mỹ, cùng nhiều giải thưởng về cách tiếp cận giáo dục và nghệ thuật.

Valentina Consoli là một trong những vũ công đã làm việc với TPO từ năm 2014, chia sẻ: “Mục tiêu của các buổi biểu diễn chính là để bọn trẻ khám phá. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên. Một khi bọn trẻ lên sân khấu, chúng sẽ là một phần của chương trình. Đôi khi trẻ làm chúng ta ngạc nhiên bằng những việc làm mà chúng ta không ngờ tới. Đôi khi chúng ta dẫn dắt chúng và những lúc khác trẻ em lại dẫn dắt chúng ta. Nó giống như một trò chơi thật hấp dẫn".

Bela Dobiasova là một vũ công người Séc, chuyển đến Italia cách đây 5 năm và ngay lập tức cô bị thu hút bởi TPO. Dobiasova nói: “Bạn thường đi lưu diễn và biểu diễn một tác phẩm có rất nhiều kịch bản. Câu chuyện đêm nào cũng giống nhau, rất trôi chảy. Nhưng chương trình của chúng tôi thì khác, chúng tôi quyết định phải làm gì và khi nào chuyển sang cảnh tiếp theo. Thật tuyệt vời khi được làm việc với những đứa trẻ và nhìn thấy chúng trở nên sống động, đặc biệt là những đứa trẻ nhút nhát. Tôi không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra ở mỗi buổi biểu diễn và điều đó khiến nó trở nên thú vị”.

Lisa Rigsby Peterson, Giám đốc điều hành của Nhà hát opera Wheeler ở Aspen (Mỹ) nhận định: “Tôi đã làm việc với TPO được sáu năm và nhận thấy đây là tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao nhất, được tạo ra dành cho trẻ nhỏ để khơi dậy trái tim và khối óc của chúng. Nó thật ấn tượng về mặt thị giác, và hành trình mà các vũ công dẫn dắt khán giả tham gia thật mê hoặc, kỳ diệu và tôi biết rằng những kỷ niệm mà họ tạo ra trên sân khấu Wheeler sẽ còn đọng lại rất lâu”.

Trẻ em là khán giả đặc biệt của sân khấu. Tuy nhiên, để sân khấu đủ sức hấp dẫn trẻ em luôn là thách thức với người làm nghệ thuật ở khắp nơi trên thế giới. Nhà hát tương tác Prato, được nhiều tờ báo ví như “cuộc cách mạng với sân khấu thiếu nhi”, đã cho thấy quyết tâm sáng tạo không giới hạn để mang đến những trải nghiệm nghệ thuật đẹp đẽ cho thiếu nhi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc cách mạng” của Nhà hát tương tác Prato

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.