Đón mùa hè 2024, các đơn vị nghệ thuật sân khấu đã sẵn sàng những vở diễn, chương trình dành cho các em nhỏ. Có những gương mặt mới, cũng có nhiều nghệ sĩ quen thuộc tham gia, nhưng các tác phẩm mới ra mắt cho thấy sức sáng tạo của nghệ sĩ và hứa hẹn một mùa diễn bùng nổ. Bí quyết để xây dựng tác phẩm sân khấu thiếu nhi thành công là vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục, để các em nhớ lâu, thấm sâu.
Đa dạng trải nghiệm sân khấu
Với tham vọng trở thành đơn vị đi đầu trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của thiếu nhi trong mùa hè này, Nhà hát Kịch Việt Nam dồn lực đầu tư dàn dựng chương trình nghệ thuật “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, phỏng theo truyện cổ tích kinh điển của nhà văn Andersen... “Bộ quần áo mới của hoàng đế” không gọi là kịch nói mà là chương trình nghệ thuật, bởi tác phẩm kết hợp nhiều ngôn ngữ mang tính giải trí cao, như kịch nói, kịch câm, vũ đạo, âm nhạc, ánh sáng… Kịch bản của tác giả Minh Nguyệt với nhiều thay đổi mới mẻ và phù hợp với khán giả nhí hiện nay cộng với cách dàn dựng sáng tạo, khác lạ của đạo diễn người Nhật Bản Hiroyuki Muneshige, qua diễn xuất hấp dẫn của Nghệ sĩ ưu tú Kiều Minh Hiếu, nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang, Tô Dũng, Xuân Nam… đã cuốn hút các em nhỏ vào không khí sôi nổi và liên tục tương tác suốt chương trình.
Bên cạnh “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, chương trình “Hành trình kỳ diệu” phục vụ thiếu nhi của Nhà hát Kịch Việt Nam hè này còn có vở kịch “Rồng thần trở lại” do bộ đôi Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc - Tự Long dàn dựng, cảm tác từ bộ truyện “Bảy viên ngọc rồng”. Tác phẩm được thể hiện mới mẻ, khiến các em nhỏ cười nghiêng ngả và giúp chúng nhận ra sức mạnh của tinh thần đoàn kết, yêu cái đẹp, tránh xa cái xấu. Hai nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long cũng trực tiếp diễn vở kịch “Biệt đội siêu anh hùng” cuốn các em vào ước mơ giải cứu thế giới, làm việc tốt…
Đã trở thành điểm đến lý tưởng cho thiếu nhi Thủ đô, Nhà hát Tuổi trẻ mở cửa sẵn sàng đón các em nhỏ bằng vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”, vở kịch “Chú mèo dạy hải âu bay” và đặc biệt là vở nhạc kịch mới tinh “Bữa tiệc của Elsa”. Những tưởng các em nhỏ được đến với thế giới của nàng công chúa Elsa nổi tiếng, nhưng không, “Bữa tiệc của Elsa” kể câu chuyện rất gần gũi về quá trình trưởng thành của bạn Sữa, từ một đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết bản thân dần trở nên thấu hiểu, biết yêu thương, chia sẻ và cảm thông với những người xung quanh. “Bữa tiệc của Elsa” là phần thưởng cho Sữa.
Cùng với đó, các đơn vị nghệ thuật cũng tung ra những tác phẩm sân khấu nhiều hình thức, đa dạng trải nghiệm dành cho các em nhỏ, như “Tấm Cám - Bống bống bang bang” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Lời bà kể” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Màu của ước mơ” (Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội), “Cây tre trăm đốt” và “Nắm xôi kỳ diệu” (Nhà hát Chèo Hà Nội)…
Sau khi thưởng thức vở kịch “Lời bà kể” của Nhà hát Kịch Hà Nội, em Phú Gia Linh, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Em và các bạn vô cùng thích thú được trải nghiệm câu chuyện “Mồ Côi xử kiện” và “Sự tích cây nêu ngày Tết” trên sân khấu. Các nghệ sĩ biểu diễn sinh động, liên tục tương tác sôi động khiến các em rất vui, ấn tượng và sẽ nhớ lâu”.
Để các em nhỏ nhớ lâu, thấm sâu
Sáng tạo sân khấu cho thiếu nhi đang chịu sự cạnh tranh lớn từ những loại hình giải trí hiện đại. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, mùa diễn năm nay, đơn vị đã quyết định mời đạo diễn Hiroyuki Muneshige dàn dựng vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” để mang đến không gian biểu diễn khác với trải nghiệm trước đây cho các em nhỏ.
Còn Nghệ sĩ nhân dân Tự Long, người kết hợp với Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc biểu diễn phục vụ thiếu nhi hơn 20 năm qua, cho rằng: “Làm sân khấu cho thiếu nhi tưởng dễ mà khó. Đó phải là tác phẩm giải trí để các em vui vẻ, sảng khoái, nhưng cũng cần có thông điệp thật nhẹ nhàng, chỉ là một câu nói, hành động đẹp hay nhắc lại bài học trong sách giáo khoa. Như thế, cả trẻ em và phụ huynh đều hứng thú”.
Đồng quan điểm, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, tác phẩm sân khấu cho thiếu nhi mang tính giải trí để các em nhớ lâu, mang tính giáo dục để các em thấm sâu. Để làm được điều này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức hội nghị khách hàng hằng năm, lắng nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo các nhà trường, các giáo viên và em nhỏ để điều chỉnh, xây dựng chương trình phù hợp. Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, mỗi mùa diễn đơn vị phải chuẩn bị trước một năm nghiên cứu, học tập, sáng tạo và ghi nhận góp ý của nhiều đối tượng khán giả. Nhà hát đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại nhất, như màn hình chiếu, kỹ xảo 3D… để tăng trải nghiệm cho khán giả nhí.
Để khuyến khích sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu cho các bạn nhỏ, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chủ trì tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024, tại Hải Phòng, từ ngày 13 đến 20-5 tới. Đến nay, đã có 17 tác phẩm đặc sắc của 14 đơn vị nghệ thuật đăng ký tham gia. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định, bên cạnh việc khắc phục tình trạng thiếu hụt tác phẩm sân khấu phục vụ thiếu niên, nhi đồng, liên hoan còn góp phần định hướng các em đến những giá trị chân - thiện - mỹ, nêu cao trách nhiệm của các đơn vị sân khấu đối với thế hệ trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.