Khoa học - Công nghệ

Chương trình số 07-CTr/TU: Đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế Thủ đô

Thu Hằng 03/04/2025 13:15

Tại hội nghị tổng kết Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 3-4, phóng viên đã ghi lại ý kiến của các đại biểu về những thuận lợi khó khăn của đơn vị trong quá trình thực hiện Chương trình. Đây là những kết quả bước đầu tạo tiền đề cho việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU sắp tới.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:

Làm tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

long.jpg

Thời gian qua, Quận Hoàn Kiếm đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt được nhiều kết quả khả quan.

Ứng dụng triệt để Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tập trung của thành phố, các đơn vị của quận đều thực hiện công việc trên môi trường số, 100% các văn bản ban hành được ký số, lưu trữ điện tử tiết kiệm chi cho ngân sách, rút ngắn quá trình thực hiện công việc, kiểm soát tiến độ công việc, hình thành thói quen làm việc trên môi trường số.

Quận cũng đã hoàn thành xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình sáng kiến về cải cách hành chính như: “Thủ tục hành chính không chờ”, “Số hóa, xây dựng, cải tiến các quy trình ISO về giải quyết thủ tục hành chính và giải quyết công việc nội bộ trên môi trường điện tử tại UBND quận Hoàn Kiếm”, “Mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường”, “Quét thẻ căn cước công dân nhận diện sinh trắc học, tự động nhập thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính”... Hiện nay, toàn bộ 357 quy trình ISO cấp quận đã được cập nhật trên phần mềm ISO điện tử quận giúp cho việc tra cứu, tổng hợp các quy trình được chủ động, kịp thời, thuận lợi..

Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ, quận đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh thiết lập, sử dụng các website/ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trên môi trường mạng.

Trong lĩnh vực du lịch, quận đã sử dụng công nghệ để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đem đến những trải nghiệm đặc sắc, mới lạ, thú vị. Các ứng dụng như Trang Hoàn Kiếm 3600 đã số hóa sống động, chi tiết các di tích quan trọng, tiêu biểu của quận bằng hình ảnh 3D và việc cung cấp thông tin du lịch, xây dựng tour trên cơ sở thông tin được số hóa đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của công dân số khi đến Hoàn Kiếm du lịch.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng

Thanh niên Thủ đô tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp

hung(1).jpg

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU Thành đoàn Hà Nội đã sớm ban hành 5 Đề án, đó là: Đề án Hình thành mạng lưới không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (3358), Đề án xây dựng nền tảng số hóa đầu tư đổi mới sáng tạo (3359), Đề án xây dựng nền tảng hỗ trợ sinh viên và Mạng lưới Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (3360), Đề án xây dựng mô hình ươm tạo tại các trường Đại học, Học viện, cao đẳng (3361) và Đề án tổ chức các sự kiện, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô lớn (3362) thu hút nguồn nhân lực sáng tạo chất lượng cao trong nước và quốc tế tới xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Sau 3 năm triển khai, 5 Đề án đã mang lại kết quả tích cực, thực chất, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, đặc biệt thu hút và tạo điều kiện cho thanh niên ở trong và ngoài nước nâng cao năng lực khoa học công nghệ, tiên phong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế, góp phần liên kết các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (trường, viện, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà sáng tạo) góp phần giải quyết các bài toán thực tế của Thủ đô.

Tuy có nhiều kết quả triển vọng, nhưng các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của thanh niên vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: chưa thể giải ngân ngân sách đối với các không gian hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển đổi số tại các trường Đại học, Học viện; chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm do Nhà nước dẫn dắt theo tinh thần của Luật Thủ đô nên hoạt động này phần lớn vẫn mang tính chất “thị trường tự do”; cơ chế thu hút lực lượng sản xuất mới dựa trên dữ liệu lớn và các mô hình kinh doanh dựa trên chuyển đổi số vẫn chưa mang tính chất thu hút so với các hệ sinh thái lân cận như Singapore, Hồng Kông, thành phố Hồ Chí Minh...

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong thanh niên, chúng tôi mong muốn tiếp tục Chương trình “đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030” trong nhiệm kỳ mới, trong đó tập trung thực hiện các cơ chế của Luật Thủ đô đối với các cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn; cho phép hình thành các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo của thanh niên với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, điểm đến thu hút giới sáng tạo trẻ trong nước và quốc tế; đồng thời cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm do Thành phố Hà Nội dẫn dắt (quy mô ban đầu 50-100 triệu USD) tập trung vào các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh quốc tế như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu, bán dẫn, IoT, chuỗi khối, vật liệu mới… nhằm gia tăng sức cạnh tranh quốc tế, thu hút nguồn vốn đầu tư và nhân lực chất lượng cao về Thủ đô.

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng

Đề án y tế thông minh giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và bền vững.

yte-hung.jpg

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, ngành Y tế Hà Nội được phân công triển khai Đề án “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025”.

Đề án này hướng đến 3 nhóm đối tượng phục vụ là: Người dân; cơ sở khám, chữa bệnh; công tác quản lý nhà nước của ngành y tế. Đề án được triển khai sẽ hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, giúp người dân chủ động phòng bệnh, dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời được tư vấn, giúp đỡ chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh thông minh giúp người dân được sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị. Tiết kiệm được thời gian và chi phí khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải bệnh viện và xây dựng hình ảnh mới: Văn minh, hiện đại, hết lòng vì nhân dân.

Hệ thống quản trị y tế thông minh cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời trên khả năng phân tích dữ liệu lớn; quản lý, theo dõi hoạt động của toàn bộ mạng lưới y tế; tăng khả năng ứng phó nhanh với các tình huống bất ngờ như: Kiểm soát, khống chế dịch bệnh, chia sẻ phương pháp điều trị mới, đào tạo từ xa...

Sau 2 năm triển khai Đề án, đến nay, 100% các cơ sở y tế của Hà Nội đều có phần mềm quản lý khám chữa bệnh kết nối liên thông với bảo hiểm xã hội thành phố theo chuẩn Bộ Y tế; 100% thực hiện tiếp đón khám chữa bằng căn cước công dân có gắn chip và ứng dụng VNeID; 100% triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS); 100% triển khai nhiều giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; 88% đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 72,43% đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS)...

Bước đầu ứng dụng AI trong công tác khám chữa bệnh tại BVĐK Xanh Pôn và Đức Giang như: Triển khai AI trong chẩn đoán hình ảnh về phim chụp ngực thẳng (công nghệ AI của VinBrain). Bệnh viện thực hiện sàng lọc trên hình ảnh X-quang ngực (52 trường hợp bất thường ngực ở trên 16 tuổi); Triển khai AI trong nội soi tiêu hóa tại Trung tâm kỹ thuật cao & tiêu hóa Hà Nội (Phần mềm Waycen, Hàn Quốc)... Và nhiều giải pháp, sáng kiến về khoa học công nghệ khác đang được triển khai áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh trên địa bàn Thủ đô.

Xác định xây dựng “Y tế thông minh” là một lộ trình dài nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn cần có những mục tiêu phấn đấu cụ thể. Thời gian tới, toàn ngành y tế Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và mua sắm các trang thiết bị y tế mới, hiện đại, đồng bộ trong kết nối liên thông dữ liệu, hình ảnh; tăng cường sử dụng các thiết bị y tế di động, ứng dụng chuyển đổi số, AI vào hoạt động khám chữa bệnh… Qua đó, từng bước xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng cao hướng tới phát triển y tế thông minh, góp phần vào Đề án đô thị thông minh của thành phố.

Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công Thành phố Cù Ngọc Trang

Chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh

hc-cong.jpg

Hà Nội là đơn vị tiên phong trong việc thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố theo chỉ đạo, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Đây là bước đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa”, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao như: Nâng cấp hệ thống Dịch vụ công để bảo đảm liên thông điện tử, trực tuyến toàn trình liền mạch mức độ cao; Thiết kế Chatbot hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chú trọng nâng cấp trí tuệ nhân tạo; Tái cấu trúc, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời giản thực hiện các thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào 150 thủ tục hành chính thiết yếu, phát sinh nhiều hồ sơ, nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Đánh giá hiệu quả ủy quyền thủ tục hành chính, giảm thiểu sự rườm rà trong quá trình giải quyết; Triển khai mạng lưới chi nhánh phi địa giới hành chính với 8 phân khu chức năng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phấn đấu đến tháng 7-2025, toàn bộ hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công chính thức vận hành với 12 chi nhánh và các điểm tiếp nhận, đại lý dịch vụ công trực tuyến trên toàn thành phố. Điều này giúp nâng cao sự minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ; hướng tới xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính....

PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội:

Nhà trường luôn chú trọng phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô

thay-chinh.jpg

Nhận thức được vai trò của một trường đại học khoa học kỹ thuật hàng đầu cả nước đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong các hoạt động nghiên khoa học, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của Nhà trường luôn luôn chú trọng đến sự phối kết hợp cùng Thành phố nhằm phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU, Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn phối hợp cùng thành phố trong những việc sau: Thực hiện Đề án Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”; triển khai các hoạt động thực hiện chuyển đổi số tại các quận, huyện trực thuộc Thủ đô; xây dựng đề án “mạng lưới sáng kiến Thủ đô” thuộc Chương trình số 07-CTr/TU; phối hợp thực hiện và xây dựng Thủ đô trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Các trung tâm nghiên cứu mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm nghiên cứu phục vụ cho nhu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô; phối hợp, hợp tác cùng các đơn vị trong các lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao, xử lý môi trường nhằm xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình số 07-CTr/TU: Đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.