Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội quý I-2025 đạt 250,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán pháp lệnh năm, tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Thông tin trên được Chi cục Thống kê Hà Nội công bố ngày 3-4. Ngay từ đầu năm 2025, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh quyết toán các dự án hoàn thành; chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên theo dự toán năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý I-2025 thực hiện 250,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, thu nội địa 241,5 nghìn tỷ đồng, đạt 51% và tăng 70,6%; thu từ dầu thô 0,8 nghìn tỷ đồng, đạt 18,6% và bằng 67%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 7,8 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% và tăng 55%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa quý I-2025 là từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 27,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm và giảm 4,3% cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% và tăng 21,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước thu 48,6 nghìn tỷ đồng, đạt 47,3% và tăng 50,1%.
Thuế thu nhập cá nhân thu 18,7 nghìn tỷ đồng, đạt 37,4% và tăng 27,7%; thu tiền sử dụng đất 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% và gấp 12,4 lần cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 1,8 nghìn tỷ đồng, đạt 24,5% và tăng 10,6%; thu phí và lệ phí 5,7 nghìn tỷ đồng, đạt 24,2% và tăng 0,9%.
Cũng trong quý I, chi ngân sách địa phương ước thực hiện 23,1 nghìn tỷ đồng, đạt 13,9% dự toán năm và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, chi đầu tư phát triển 7,9 nghìn tỷ đồng, đạt 9,1% và tăng 1,8%; chi thường xuyên 15,2 nghìn tỷ đồng, đạt 21,5% và tăng 25,9%.
Một số lĩnh vực chi chủ yếu trong chi thường xuyên ngân sách địa phương là: Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 6.275 tỷ đồng, đạt 25,3% dự toán và tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước; chi các hoạt động kinh tế 999 tỷ đồng, đạt 7,6% và bằng 44,5%; chi quản lý hành chính Nhà nước 2.968 tỷ đồng, đạt 27,5% và tăng 42,7%; chi đảm bảo xã hội 1.105 tỷ đồng, đạt 16,5% và giảm 18,3%; chi y tế, dân số và gia đình 1.522 tỷ đồng, đạt 44,6% và gấp 3,5 lần; chi bảo vệ môi trường 799 tỷ đồng, đạt 24% và tăng 0,6%
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.