(HNM) - Chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề ưu tiên, được các gia đình cùng các cấp, ngành và toàn xã hội đặc biệt chú trọng. Hơn thế, trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển cộng thêm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì việc chăm sóc, bảo vệ trẻ như thế nào cho đúng cách và an toàn càng được quan tâm hơn.
Thực tế, hằng ngày, hằng giờ, ở đâu đó, không ít trẻ em vẫn đang phải đối mặt với rủi ro. Con số hàng nghìn trẻ em mỗi năm bị xâm hại, đuối nước, thương tích… phản ánh điều đó và khiến người lớn không khỏi lo nghĩ. Chưa bàn tới những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, bối cảnh xã hội hiện nay đang tồn tại những “lỗ hổng” trong bảo vệ, chăm sóc trẻ tại mỗi gia đình.
Việc cha mẹ, người thân không dành thời gian thỏa đáng để chia sẻ, dạy dỗ con chính là căn nguyên sâu xa khiến một bộ phận trẻ em thiếu đi sự quan tâm của người lớn, dẫn đến những hệ lụy như trẻ thiếu kỹ năng, có tâm lý lệch lạc, dễ bị rủ rê, lôi kéo… Đáng nói hơn, những tác động mạnh mẽ của internet, mạng xã hội cũng khiến không ít bậc cha mẹ lúng túng trong việc giao tiếp, dạy dỗ con. Trong khi đó, các quyền của trẻ em như được bày tỏ chính kiến, được tham gia, được lắng nghe... cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện các bộ, ngành, địa phương và mỗi gia đình đã, đang nỗ lực triển khai Luật Trẻ em với mục đích các quyền trẻ em được thực hiện hài hòa, mọi trẻ đều có cơ hội phát triển toàn diện. Trong quá trình này, một yếu tố quan trọng là mỗi gia đình phải thực sự là môi trường an toàn, là điểm tựa vững chắc nhất giúp trẻ phát triển toàn diện, ứng phó được các nguy cơ ngoài xã hội.
Muốn vậy, cha mẹ, người thân cần quan tâm đến con em mình đúng cách, phù hợp lứa tuổi; thường xuyên dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với con về cuộc sống, việc học tập, sử dụng mạng xã hội, định hướng tương lai... Đặc biệt, cần giáo dục trẻ cách đối nhân xử thế, biết yêu lao động, có ý chí vươn lên, sống trung thực, dũng cảm vượt qua khó khăn trong học tập, đời sống. Trong đó, cần lưu ý tránh cách dạy con theo kiểu áp đặt có thể “lợi bất cập hại”, thậm chí vô tình gây nên một dạng xâm hại trẻ trong chính gia đình. Cha mẹ, người thân phải là tấm gương cho con noi theo, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đối với các nhà trường, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Các hoạt động giáo dục cần lấy học sinh làm trung tâm, giúp các em sớm hình thành những kỹ năng cần thiết như tự phục vụ, tự bảo vệ (nhận biết các nguy hiểm xung quanh, từ đó biết ứng phó với tình huống có thể xảy ra), kỹ năng giao tiếp xã hội…
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội trong giáo dục trẻ nhằm tạo nên phong trào rộng lớn, xây dựng gia đình văn hóa, con người văn hóa. Đồng thời tiếp tục hình thành mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em, không chỉ gồm các cơ quan nhà nước mà cần kết nối mạng lưới cộng đồng, các tổ chức hoạt động nhân đạo, mô hình bảo vệ trẻ em... Đặc biệt là đẩy mạnh phổ biến tri thức, pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em bằng những câu chuyện dễ hiểu, sinh động để cộng đồng cùng chung tay góp sức.
Sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao của các bên liên quan chính là điều kiện tiên quyết để mỗi gia đình, mỗi nhà trường và toàn xã hội cùng chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.