Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng vào cuộc có trách nhiệm

Chí Kiên| 30/12/2019 06:52

(HNM) - Công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 đã đạt 89,5% kế hoạch năm. Nếu so với kết quả của 10 tháng năm 2019 (đạt hơn 54% theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thì hai tháng cuối năm kết quả giải ngân có sự bứt phá đáng kể, góp phần quan trọng vào chỉ số tăng 5,8% giá trị về tiền so với năm 2018.

Kết quả nói trên khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc khắc phục những tồn tại, vướng mắc để thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. 

Một trong những nguyên nhân đứng đầu trong danh sách chậm trễ là do công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, khiến khả năng giao và giải ngân vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không sát được với khả năng thực hiện của từng dự án. Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng - thường chiếm khối lượng vốn rất lớn đối với các dự án, mất nhiều thời gian nhưng nhiều nơi vẫn lúng túng và gặp vướng mắc về nguồn gốc đất đai, chính sách bồi thường... khiến tiến độ không đáp ứng yêu cầu. Một số chủ đầu tư còn chậm quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng nên không giải ngân được theo kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp còn chưa nhanh, chưa kịp thời, thậm chí có trường hợp mất vài tháng mới ban hành được quyết định giao kế hoạch… Công tác thiết kế - dự toán công trình, đấu thầu lựa chọn nhà thầu diễn ra chậm do chủ đầu tư và tư vấn trong một số trường hợp có chuyên môn chưa sâu, chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần…

Năm 2020 - năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Chính phủ xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, ngành, địa phương. Do vậy, những tồn tại, yếu kém kể trên phải được các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục ngay từ những ngày đầu năm 2020. Trong đó, yêu cầu quan trọng là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch, đăng ký thanh toán, xét duyệt hồ sơ thanh toán vốn... Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý dự án đầu tư công; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công để kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.

Ở góc độ chủ đầu tư và nhà thầu, cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, chủ động hoàn thiện hồ sơ liên quan ngay từ đầu năm để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Đặc biệt là các đơn vị nhà thầu cần tập trung bảo đảm tiến độ thi công công trình.

Cùng vào cuộc với trách nhiệm cao nhất của các bên liên quan, tin rằng trong năm mới 2020, hiệu quả cao hơn trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế mỗi ngành, địa phương cũng như cả nước tiếp tục đà tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng vào cuộc có trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.