(HNM) - Triển lãm
Một tác phẩm trong Không gian văn hóa đình làng Bắc Bộ |
- Thưa bà, cùng lấy đình làng làm đối tượng trung tâm, triển lãm "Không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc bộ" có gì khác so với "Đối thoại với đình làng" diễn ra cách đây không lâu?
- Đình làng Bắc bộ là nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng, là thiết chế văn hóa bền vững của làng xã, là biểu tượng thể hiện hồn cốt của người Việt. Lấy đình làng làm đối tượng sáng tác, các nghệ sĩ có cách tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, người quan tâm tới kiến trúc truyền thống bị thu hút bởi tư liệu văn hóa, lịch sử. Vì thế, dù hai cuộc triển lãm về văn hóa đình làng diễn ra trong khoảng thời gian khá gần nhau nhưng ngôn ngữ nghệ thuật lại khác nhau.
"Đối thoại với đình làng" là dự án thử nghiệm về sự kết nối nghệ thuật đương đại với di sản. Còn "Không gian văn hóa đình làng" là triển lãm ảnh, hiện vật về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, không gian văn hóa đình làng. Cụ thể, triển lãm sẽ giới thiệu hơn 80 bức ảnh chụp cận cảnh nhằm đặc tả nét đẹp của một số đình làng tiêu biểu vùng châu thổ Bắc bộ; ngoài ra, còn có 15 tác phẩm điêu khắc như "Cảnh sinh hoạt" với bối cảnh đình Tiên Chưởng, xã Hợp Hưng, Vụ Bản (Nam Định); "Hai người đá cầu" ở đình Thổ Tang, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); "Điều voi đuổi hổ" - đình Chảy, xã Liêm Thuận, Thanh Liêm (Hà Nam)… Nhằm giúp công chúng hiểu hơn về giá trị của đình làng, bộ phim 3D "Diễn họa kiến trúc đình So", phim tư liệu "Lễ hội trong không gian văn hóa đình làng Bắc bộ" và "Nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc đình làng" sẽ được chiếu liên tục trong những ngày diễn ra triển lãm. Đến với triển lãm đặc biệt này, công chúng còn được thưởng thức nghệ thuật diễn xướng cửa đình với các tiết mục múa bỏ bộ, chiếu chèo sân đình, hát xẩm… do NSND Thanh Hoài và các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam thể hiện.
- Nguồn tư liệu phong phú như vậy, hẳn sự chuẩn bị rất kỳ công, thưa bà?
- Đúng vậy! Hai năm thực hiện dự án, chúng tôi đã khảo sát rất nhiều đình làng Bắc bộ. Để có được những hình ảnh chân thực, sinh động, người chụp, quay phim phải ghi hình ở mọi góc cạnh. Rồi là việc tìm hiểu tư liệu lịch sử, văn hóa, tái hiện sinh hoạt văn hóa tại đình làng nữa, không dễ chút nào vì người dân không còn thường xuyên sinh hoạt tại đình làng như trước nữa.
- Qua những chuyến khảo sát như vậy, bà đánh giá như thế nào về không gian văn hóa đình làng hiện nay?
- Quả thực, có đi mới thấy hệ thống đình làng Bắc bộ vô cùng đa dạng, hàm chứa giá trị vật thể, phi vật thể phong phú. Tiếc rằng, trong quá trình đô thị hóa, không gian văn hóa làng với hình tượng cây đa, giếng nước, sân đình ngày nay đang bị thu hẹp, có nơi gần như mất hẳn. Đáng buồn hơn là một số đình làng, sau khi được đầu tư hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo lại khiến người ta có cảm giác đình làng được xây mới, hiện vật, tượng thờ bên trong dường như xa lạ hơn. Ngược lại, một số đình đang xuống cấp nghiêm trọng, các mảng chạm khắc hết sức tinh vi đang bị mối mọt, mục ruỗng lại chưa có điều kiện thay thế… Vì lẽ đó, trong khuôn khổ triển lãm này, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo "Không gian văn hóa đình làng - vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản" vào ngày 10-12 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, để bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.