Văn hóa

Đông Anh hình thành không gian văn hóa lịch sử gắn với du lịch

Đỗ Minh 10/06/2024 - 12:29

Huyện Đông Anh đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát triển Khu di tích Cổ Loa, xây dựng Đền thờ Ngô Quyền đậm nét văn hoá đặc sắc nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hoá, tâm linh...

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký ngày 24-5 đã nhấn mạnh: Sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hoá phục vụ phát triển công nghiệp văn hoá như: Không gian Hoàng Thành Thăng Long kết nối Ba Đình hay không gian quần thể di tích Cổ Loa…

Công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn

Di tích lịch sử Cổ Loa, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) gắn liền với những câu chuyện lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thành Cổ Loa được coi là thành cổ lớn nhất Việt Nam, khu di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 860,4ha - nơi đây 2 lần được chọn làm kinh đô. Lần thứ nhất, Cổ Loa là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc dưới thời Thục Phán - An Dương Vương (thế kỷ III trước Công nguyên); sau này là kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền (thế kỷ X sau Công nguyên).

Trải qua hàng nghìn năm, khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử, tàn tích kiến trúc, như khu Đền Thượng thờ An Dương Vương, giếng Ngọc, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ Công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn, đình Ngự Triều Di Quy… Nhà trưng bày, giới thiệu khoảng hơn 200 tài liệu, hiện vật theo tiến trình lịch sử từ khoảng 3.500 năm trước cho đến nay.

0cb2eb2ba774042a5d65.jpg
Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái.

Với những giá trị lịch sử, văn hoá đó, thành Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27-9-2012; được phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) tại Quyết định 1004/QĐ-TTg ngày 3-7-2015. Trong đó, xác định đền thờ Ngô Quyền được xây dựng trong phân vùng lõi của thành Cổ Loa.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, giữa tháng 5-2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị UBND thành phố Hà Nội có văn bản báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và Thủ tướng đề xuất, kiến nghị đưa hạng mục đền thờ vua Ngô Quyền vào Quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa.

Ngày 1-6-2023, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL ban hành Quyết định số 1413/QĐ-BVHTTDL cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật bổ sung tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội).

2c7ecff083af20f179be.jpg
Khu di tích Cổ Loa lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử. Ảnh: Quang Thái.

Theo đó, nhiều hội thảo của các viện nghiên cứu, bộ, ngành và huyện Đông Anh tập trung thảo luận gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Ngô Quyền tại Cổ Loa. PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Vị trí xây dựng đền thờ Ngô Quyền không vi phạm vào di tích gốc (thành và hào), tuân thủ nguyên tắc là công trình không được chồng lên di tích gốc.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin, chính quyền và người dân nơi đây luôn mong muốn có đền thờ Đức vua Ngô Quyền, có Công viên di sản - nơi đời đời tưởng nhớ, ghi công, biết ơn Đức vua và các bậc tiền nhân. Hằng năm, nhân dân cả nước thành kính dâng hương tưởng niệm, tổ chức Lễ hội xưng Vương gắn với giáo dục lịch sử, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

c3fc07514a0ee950b01f.jpg
Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 1.085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024). Ảnh: Đỗ Phong.

Huyện Đông Anh chủ động đề xuất và được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương chọn vị trí, địa điểm xây dựng Đền thờ Đức vua Ngô Quyền, HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 298,4 tỷ đồng.

Với các hệ thống di tích này, Cổ Loa hoàn toàn có thể trở thành Công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn theo mục tiêu, nhiệm vụ mà Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065...

Hình thành chuỗi du lịch văn hoá

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ngày 25-3-2022, UBND thành phố Hà Nội có các quyết định 1045/QĐ-UBND và 1046/QĐ-UBND phê duyệt hai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống tỷ lệ 1/5000. Đây là nguồn lực để Đông Anh hình thành các chuỗi du lịch văn hoá, sinh thái của Thủ đô...

becbdb53920c3152681d.jpg
Phối cảnh Đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại Cổ Loa. Ảnh: Huyện Đông Anh.

Trong năm qua, Đông Anh đã triển khai đầu tư 474 dự án xây dựng với tổng kế hoạch vốn 996 tỷ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội với 284 dự án, tổng kế hoạch vốn là 8.616 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với Đông Anh tháng 3-2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà yêu cầu Đông Anh tập trung đẩy mạnh phát triển các đô thị mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; phối hợp phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị...

Trước đó, để phát huy nguồn lực văn hóa, Đông Anh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội và Chương trình hành động của Huyện ủy Đông Anh về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm xây dựng huyện trở thành thành phố thông minh của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh hình thành không gian văn hóa lịch sử gắn với du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.