(HNM) - Truyện tranh lâu nay cứ tưởng im ắng, nhưng đầu tháng 7 liền lúc có hai sự kiện khiến người đọc phải chú ý, tiếc rằng theo hai hướng khác nhau.
Thứ nhất là việc một họa sĩ trẻ (sinh năm 1988) cho rằng một bộ phim của "Quà tặng cuộc sống" phát trên VTV3 đã sử dụng cả ý tưởng, nội dung một truyện tranh của anh mà không hỏi han gì. Kéo theo là sự lên tiếng của cộng đồng họa sĩ, cộng đồng truyện tranh comicola.com, giới sáng tạo...
Thứ hai, một họa sĩ truyện tranh thế hệ 7X ra mắt tác phẩm độc lập của anh và thu hút được sự quan tâm của độc giả, giới phê bình. Cuốn truyện gửi gắm đầy những kỷ niệm ấu thơ của một cậu bé Hà Nội, chẳng phải đề tài gì "hot", đầu sách ghi "Tặng mẹ"...
Cũng chưa biết sau buổi ra mắt khá đông đúc ở Hà Nội, sách có bán được? Nhưng họa sĩ này còn có hậu phương vững chắc là một NXB có uy tín nơi anh đang làm việc. Còn về họa sĩ 8X, chưa biết ý kiến của anh đúng sai ra sao, song đã nghe kế hoạch giới thiệu tập truyện mới phải tạm hoãn, một số hợp đồng quảng cáo bị cắt vì không đúng tiến độ thỏa thuận...
Trong cùng một khoảng thời gian, giới truyện tranh buồn vui lẫn lộn. Mỗi câu chuyện hé lộ một góc của cộng đồng không phải không có tài, cũng không thiếu tình này. Nhưng dường như vắng hẳn một chiến lược tầm xa, nên họ vẫn chỉ có thể vừa bơi vừa dò đường...
Từ hơn 100 họa sĩ những năm 2004 - 2005, nay con số này chỉ còn khoảng 50 người theo nghề, mà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay số họa sĩ sống được bằng cây cọ và ý tưởng văn học. Chưa kể áp lực trước truyện nước ngoài giá rẻ và cho không tiền bản quyền...
Mới thấy, cho một điều gì đó lâu dài với truyện tranh nói riêng và văn nghệ nói chung không phải chỉ là chuyện một cuộc ra mắt sách, một phần thắng của tranh chấp bản quyền...
Cứ lộp độp vài cuộc thế này, cũng xem là một sự lãng phí nguồn lực vậy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.