(HNM) - Sau một tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD, từ 18.544 VND/USD lên 18.932 VND/USD, cung-cầu ngoại tệ ở cả ngân hàng thương mại (NHTM) lẫn thị trường tự do khá ổn định.
Tỷ giá USD/VND thị trường tự do gần như tiệm cận với giá niêm yết ở ngân hàng. Xét về dài hạn, tác động kép của việc điều chỉnh tỷ giá chính là tăng động lực cho xuất khẩu, nhưng lại là chiếc "phanh hãm" đối với nhập khẩu, từ đó góp phần kiềm chế nhập siêu.
Giải tỏa tâm lý kỳ vọng với giá USD…
Cung - cầu ngoại tệ ở cả Ngân hàng thương mại và thị trường tự do đều ổn định.
Ảnh: Khánh Nguyên
Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng 18.932 VND/USD, biên độ +/-3%, mức trần mà NHTM có thể niêm yết là 19.500 VND/USD, hiện nay, hầu hết NHTM đã đưa USD lên trần 19.500 VND/USD. Tại Vietcombank, mấy ngày gần đây, giá USD duy trì ở mức 19.475 VND/USD (mua vào) - 19.500 VND/USD (bán ra); ở VietinBank, tỷ giá tương ứng là 19.480 VND/USD và 19.500 VND/USD. Trên thị trường tự do, vào lúc 10h ngày 25-8, USD được giao dịch ở 19.500 VND/USD (mua vào)-19.530 VND/USD (bán ra). Như vậy, giá USD "chợ đen" chỉ nhỉnh hơn giá tại ngân hàng khoảng 30 VND/USD. Theo các chuyên gia, mức chênh lệch này là hợp lý, giúp ổn định tâm lý người dân, cải thiện cung - cầu ngoại tệ. Người dân sẽ không còn muốn giữ USD, mà sẽ bán cho ngân hàng.
Đại diện các ngân hàng nhận định, động thái điều chỉnh tỷ giá là kịp thời, bởi trước đó, cung - cầu ngoại tệ có biểu hiện căng thẳng khi giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, bỏ xa giá ở NHTM. Hiện, nhu cầu USD ở các NHTM khá lớn để đáp ứng cho doanh nghiệp (DN) xuất - nhập khẩu từ nay đến cuối năm. Do vậy, ngay khi NHNN tăng tỷ giá, các NHTM đã đồng loạt điều chỉnh giá USD lên mức trần cho phép. Thêm vào đó, áp lực đáo hạn các hợp đồng cho vay ngoại tệ khiến DN phải xoay xở tìm cách mua vào để trả nợ vì hợp đồng vay vốn ngoại tệ thường ngắn hạn khiến nhu cầu sử dụng USD càng lớn. Ghi nhận tại các NHTM một tuần qua cho thấy, số người đến bán USD tăng mạnh hơn trước, cung ngoại tệ được cải thiện đáng kể.
Xuất khẩu mừng, nhập khẩu lo
Quyết định tăng tỷ giá đã được DN xuất khẩu đón nhận khá hồ hởi. Bởi, khi tỷ giá tăng, DN xuất khẩu có thể thu thêm lợi nhuận. Lãnh đạo một DN dệt may cho biết, nguồn thu ngoại tệ dự báo sẽ tăng từ nay đến cuối năm. Thử tính bài toán đơn giản với kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 6 tỷ USD trong tháng 8, nếu tỷ giá quy đổi là 19.100 VND/USD, thì kim ngạch xuất khẩu là 114.600 tỷ đồng; nhưng nếu tỷ giá là 19.500 VND/USD, số thu được là 117.000 tỷ đồng. DN có thêm một khoản đáng kể từ bài toán tăng tỷ giá.
Trái ngược với DN xuất khẩu, DN nhập khẩu lại đau đầu. Mặc dù hầu hết DN đều lập quỹ bình ổn tỷ giá để có thể kịp thời đối phó với sự biến động của giá USD, song DN nhập khẩu vẫn không tránh khỏi lo lắng khi nhiều hợp đồng ký kết từ giữa năm với tỷ giá cũ. Giám đốc một DN chuyên về thiết bị công nghiệp cho hay, sự chênh lệch tỷ giá sẽ khiến công ty phải tốn thêm hàng tỷ đồng cho lô hàng nhập khẩu trong tháng 9 tới. Để giảm bớt gánh nặng về tỷ giá, một số DN đã tăng giá sản phẩm. DN kinh doanh gas đã tăng giá bán 4.000-6.000 đồng/bình. Các DN sản xuất thép đang rục rịch tăng giá với lý do chi phí sản xuất tăng do giá xăng dầu tính theo tỷ giá mới. DN kinh doanh ô tô, điện lạnh, điện tử…. cũng áp dụng giá USD mới cho sản phẩm, với mức tăng 3-5% so với trước.
Việc điều chỉnh tỷ giá có thể gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng, bởi khi tỷ giá tăng, giá một số loại hàng hóa có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng theo, kéo "rổ" giá cả tăng. Tăng tỷ giá cũng ảnh hưởng tới dòng vốn ngước ngoài, vì nó đồng nghĩa với việc đồng VND giảm giá so với USD, khiến giá trị đầu tư của khối đầu tư nước ngoài quy đổi sang USD giảm. Nhưng, giá đồng VND giảm khiến giá cổ phiếu rẻ hơn, kích thích khối đầu tư nước ngoài, giúp thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn.
Theo giới chuyên gia, các cơ quan chức năng đã tính toán kỹ bài toán tăng tỷ giá cùng những giải pháp để giảm bớt áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng. Mới đây, TP Hà Nội đã triển khai 360 điểm bán hàng bình ổn giá, được đặt ở siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, quầy hàng tại một số chợ... Các DN cũng cam kết bảo đảm giảm giá tối thiểu 10% khi thị trường có biến động về giá. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những biện pháp can thiệp. Về dài hạn, cần giải được bài toán nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm chi phí vay vốn của DN, nâng cao năng lực sản xuất trong nước…
Để hút vốn USD, các NHTM "đua nhau" tăng lãi suất huy động USD: - ACB tăng lãi suất 0,15-0,2%/năm ở các kỳ hạn 1-9 tháng, lên mức 3,65-4,45%/năm. - Eximbank huy động cao nhất là 4,45%/năm - SeABank áp dụng lãi suất 4,2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, 5,1%/năm cho 6 tháng… Nhiều NH khác đưa ra lãi suất khá cao là 5-5,3%/năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.