(HNM) - Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm, do vậy cán bộ, hội viên các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cũng tích cực thay đổi phương thức sản xuất, chế biến để tạo ra các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn. Qua đó góp phần cung cấp, tiêu thụ sản phẩm an toàn, hàng hóa bảo đảm đến tay người tiêu dùng.
Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý do bà Đặng Thị Cuối (hội viên phụ nữ xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) làm Giám đốc, nhiều năm qua đã chứng minh được giá trị an toàn đối với người tiêu dùng. Hiện nay, Hợp tác xã đã trồng 5ha rau hữu cơ, đã có 17 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt chất lượng 3 sao.
Bà Cuối chia sẻ: “Trồng rau hữu cơ vất vả hơn, do phải tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch, đóng gói…, nhưng bù lại cho thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng theo phương thức truyền thống. Kể cả thời gian Hà Nội phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, rau hữu cơ của hợp tác xã vẫn tiêu thụ tốt”. Đầu ra hiện nay của Hợp tác xã Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, 6 chợ đầu mối, mỗi ngày xuất 150-200kg rau, củ, quả các loại…
Là hội viên phụ nữ phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) - chị Dương Thị Huệ đã chọn món chả cá để khởi nghiệp từ năm 2017. Hiện nay, thương hiệu Chả cá thát lát Huệ Dương của chị được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. Chị Huệ cho biết: “Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội, chúng tôi đã có nguồn nguyên liệu tốt nhất. Cá tươi sau khi đánh bắt được chuyển bằng xe chuyên dụng về Hà Nội. Nhân viên công ty chế biến và giao đến 60 đại lý, cửa hàng thực phẩm, siêu thị để tới tay người tiêu dùng sản phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn nhất”.
Cũng là sản phẩm OCOP 4 sao, Trà Xạ đen MD Queens của Công ty cổ phần MD Queens do chị Trịnh Kim Thư làm Tổng Giám đốc không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà còn được Việt kiều và khách hàng nước ngoài yêu thích, tin dùng. “Sản phẩm của chúng tôi nhận được sự phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng. Chúng tôi đang có đại lý phân phối ở Mỹ, Trung Quốc và luôn nhận được sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ trong việc hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Hiện, sản phẩm có mặt trên sàn thương mại điện tử quốc tế Ebay”, chị Thư chia sẻ.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hơn 2.500 tấn nông sản; tổ chức các ngày hội trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sáng tạo của phụ nữ. Đặc biệt, hơn 4 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp; phối hợp tổ chức trang thông tin điện tử “Chợ nhà mình”, chương trình “Làng đặc sản” kết nối các doanh nghiệp nữ trưng bày, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao; phối hợp mở 141 điểm phân phối thực phẩm sạch tới người tiêu dùng. Từ đó, hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm…
Là đơn vị có nhiều mô hình nông sản sạch, không chỉ cung cấp cho người dân toàn thành phố mà còn xuất khẩu, Hội Liên hiệp phụ nữ Đan Phượng luôn đồng hành cùng chị em kinh doanh khởi nghiệp trong việc hỗ trợ kết nối với chuỗi cung ứng để tiêu thụ sản phẩm. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Lê Thị Thương cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức 8 buổi tập huấn kỹ năng bán hàng, kết nối tiêu thụ nông sản cho các nữ chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tìm cách tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tuyên truyền vận động để các hộ gia đình sản xuất; xây dựng mô hình thực phẩm, nông sản an toàn với mong muốn chung tay đưa sản phẩm sạch của huyện Đan Phượng tới các siêu thị”.
Còn Hợp tác xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) đã liên kết với Công ty Bảo Minh tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lúa hữu cơ. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ðồng Phú Nguyễn Thị Thủy cho biết, với những hiệu quả thiết thực từ trồng lúa hữu cơ, được sự vận động của Hội Phụ nữ và các đoàn thể, xã hiện có 316 hộ sản xuất lúa hữu cơ, thu nhập 160-185 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, đời sống của nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong xã được nâng cao, giúp chị em yên tâm sản xuất và tích cực tham gia các hoạt động của hội ở địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục có các giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong tham gia phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trong tình hình mới; tổ chức các hội chợ, các buổi tập huấn nâng cao kinh nghiệm trong quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại cho nữ doanh nghiệp. Qua đó hỗ trợ chị em khởi nghiệp, kinh doanh thuận lợi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.