Ngày 2-7, kết quả kiểm phiếu cuộc bỏ phiếu toàn quốc tại Nga về các sửa đổi đối với bản Hiến pháp 1993 đã nhận được sự ủng hộ áp đảo của cử tri cả nước.
Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga dẫn nguồn tin từ Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) cho biết, với 96,04% số phiếu đã kiểm, có hơn 78,05% cử tri Nga bày tỏ ủng hộ các đề xuất sửa đổi Hiến pháp hiện hành.
Theo CEC, có 21,14% cử tri bỏ phiếu phản đối sửa đổi Hiến pháp và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là trên 65%.
Ella Panfilova, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga khẳng định, cuộc bỏ phiếu hoàn toàn minh bạch và giới chức bầu cử đã làm mọi việc để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra trọn vẹn.
CEC tuyên bố các sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua và có hiệu lực nếu nhận được sự ủng hộ của trên 50% số cử tri tham gia bỏ phiếu và không có quy định về tỷ lệ cử tri tối thiếu đi bỏ phiếu.
Các địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đông đảo nhất phải kể đến như Cộng hòa Chechnya, CH Tuva, tỉnh Kemerovo và CH Bashkortostan, với tỷ lệ trung bình là hơn 80% số cử tri đã đi bỏ phiếu ở mỗi địa phương.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất ghi nhận tại tỉnh Murmansk 36,18% và CH Karelia 37,08%. Tính đến 14h00, tại thủ đô Mátxcơva, tỷ lệ cử tri đi bầu là 45,81% và tại St.Petersburg là 62,17%.
Các sửa đổi Hiến pháp lần này đề xuất sửa đổi 41 điều và bổ sung 5 điều mới. Nghĩa là liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp 1993. Chính vì thế, Tổng thống Putin đã yêu cầu phải tổ chức bỏ phiếu trên toàn quốc về gói sửa đổi này, điều mà theo thủ tục của Luật Cơ bản hoàn toàn không đòi hỏi.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 30-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, các thế hệ cha ông đã sống và chiến đấu để lại cho thế hệ ngày nay một đất nước có nền văn hóa độc đáo và vĩ đại mang theo khát vọng của các thế hệ người Nga. Các thế hệ ngày nay sẽ tiếp tục con đường lịch sử hàng nghìn năm đó.
Ông nhấn mạnh, đoàn kết sẽ giúp nước Nga giải quyết được những nhiệm vụ khó khăn nhất trong những thời khắc phức tạp nhất. Tổng thống Putin khẳng định, chỉ bằng sự phát triển, đoàn kết và tự lực tự cường, người dân Nga mới có thể bảo đảm ổn định, an toàn, hạnh phúc và cuộc sống xứng đáng. Cùng với đó là tinh thần trách nhiệm và tình yêu tổ quốc, sự tôn trọng lịch sử văn hóa, tiếng mẹ đẻ và những truyền thống bảo đảm chủ quyền của nước Nga.
Theo Tổng thống Putin, các sửa đổi này cho phép ghi vào hiến pháp các giá trị cơ bản của nhân dân Nga. Ông tuyên bố: "Chúng ta bỏ phiếu không chỉ vì những sửa đổi hiến pháp. Chúng ta bỏ phiếu vì một đất nước, mà trong đó chúng ta muốn sống, với nền giáo dục và y tế hiện đại, với hệ thống an sinh xã hội vững chắc, với chính quyền hiệu quả có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta bỏ phiếu vì một đất nước chúng ta muốn cống hiến và muốn truyền lại cho con cháu sau này".
Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov nói rằng, nhiều đòi hỏi đối với tất cả các cơ cấu quyền lực, mà trước hết là đối với Tổng thống, được nâng cao hơn trước với những sửa đổi này.
Chẳng hạn, có những yêu cầu mới được đưa ra, theo đó, Tổng thống nhất thiết phải là công dân Nga mà không có bất kỳ một quốc tịch nước ngoài nào khác, không có quyền cư trú ở nước khác và bắt buộc phải sống ở nước Nga không dưới 25 năm (trước đây quy định là 10 năm).
Một yêu cầu tiếp theo đối với Tổng thống là, một người không được giữ cương vị cao nhất này quá hai lần ở Nga. Một điều rất quan trọng nữa là trước các yêu cầu mới, các cơ quan lập pháp của nước Nga - Đuma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) - sẽ được trao nhiều quyền lực lớn hơn.
Đuma Quốc gia sẽ có thể bầu và phê chuẩn các ứng cử viên vào cương vị Thủ tướng và tất cả các bộ trưởng trong chính phủ. Đây là điều mà trước đây chưa từng có. Hội đồng Liên bang cũng sẽ có các chức năng kiểm soát quan trọng, mà trên thực tế, Hội đồng này sẽ có thể kiểm somát toàn bộ sinh hoạt chính trị của nước Nga. Hội đồng Liên bang sẽ bao gồm đại diện từ tất cả các địa phương của nước Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.