(HNM) - Hôm nay 20-5, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hà Nội. Từ sau kỳ họp thứ sáu đến nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được hơn 2.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.
Vẫn còn "trên nóng, dưới lạnh"
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, một trong những vấn đề lớn được cử tri hoan nghênh, đồng tình là việc Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tổng rà soát công tác cán bộ từ trung ương đến địa phương, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sai phạm.
Bên cạnh đó, cử tri cả nước bày tỏ sự phấn khởi và ủng hộ Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn; xử lý, kỷ luật nghiêm một số cán bộ lãnh đạo có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thể hiện đúng chủ trương “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Ngọc Thắng |
Tuy nhiên, cử tri cả nước cho rằng, việc phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền kéo dài và chưa được khắc phục.
Theo cử tri Nguyễn Hồng Toán (quận Tây Hồ, Hà Nội), vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” khi cấp trung ương thì quyết liệt nhưng cấp tỉnh, thành một số nơi vẫn còn sức ỳ lớn. Cử tri kiến nghị, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa, làm đến nơi đến chốn, giải quyết dứt điểm các vụ việc để có kết quả toàn diện trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tại các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp, nhiều cử tri phản ánh và cho rằng tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà ít được phát hiện và xử lý. Cử tri Vũ Văn Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức. Ngoài ra, cần quy định rõ việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt là phải xử lý nghiêm các vi phạm.
Về công tác ban hành văn bản của Quốc hội, cử tri ghi nhận thời gian qua có nhiều tiến bộ, song cũng còn nhiều bất cập. Quan tâm đến nội dung này, cử tri các quận, thị xã: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Sơn Tây (thành phố Hà Nội) nêu thực tế có trường hợp luật thông qua khi chưa có hiệu lực hoặc mới có hiệu lực đã sửa đổi, bổ sung, “tuổi thọ” nhiều luật ngắn.
Cùng đó, các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn còn tình trạng chậm, nợ đọng. Cử tri Lê Hải Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mong muốn, Quốc hội cần nghiên cứu kỹ trước khi ban hành văn bản để bảo đảm hiệu lực và tính khả thi của các luật được ban hành.
Áp dụng pháp luật, xử lý nghiêm minh
Vấn đề nổi lên tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ bảy là các ý kiến bày tỏ sự lo lắng trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người do lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy. Cùng với đó là tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội; gian lận trong thi cử; việc sử dụng, vận chuyển, buôn bán ma túy, chất gây nghiện diễn biến phức tạp; nạn bạo lực học đường ngày càng báo động...
Đề xuất giải pháp, cử tri Trần Tân (quận Long Biên, Hà Nội) và nhiều cử tri khác cho rằng, trong chương trình giảng dạy ở các cấp học cần tăng cường hơn nữa nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống nhằm trang bị nhận thức đúng đắn cho thế hệ trẻ.
"Về các vụ tai nạn xảy ra do lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy, việc cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, có dấu hiệu tiêu cực, kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm và chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe" - cử tri Trần Tân nêu.
Cùng đó, cử tri cả nước cũng phản ánh một số vấn đề về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên, môi trường... Trong đó, cử tri một số quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng các tàu hút cát tại khu vực kè trên sông Hồng; Bộ Giao thông - Vận tải sớm cắm mốc giới thực địa quy hoạch sân bay Nội Bài để tạo điều kiện cho 5 xã xung quanh khu vực sân bay thực hiện các quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...
Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp một số vấn đề.
Đó là, tiếp tục sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở mọi cấp, ngành, địa phương, cơ sở; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, có các giải pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông; khẩn trương xử lý nghiêm minh các vụ việc và hành vi vi phạm pháp luật đã và đang gây bức xúc trong xã hội...
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đều là những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt đưa ra biện pháp giải quyết, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.