Nghị quyết và Cuộc sống

Trình dự án 1 Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật tại kỳ họp thứ bảy

Mai Hữu 30/05/2024 11:40

Sáng 30-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

hoangthanhtung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn.

Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh, bảo đảm thời gian cho các cơ quan kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ bảy theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn các dự thảo Nghị quyết.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy và thông qua tại kỳ họp thứ tám dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sang trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám, thông qua tại kỳ họp thứ chín.

giamsat3.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2024, bổ sung 8 dự án luật, bao gồm: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám và thông qua tại kỳ họp thứ chín.

Đồng thời, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng; bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chính phủ có tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng vào Chương trình năm 2024 theo hướng điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1-8-2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.

Như vậy, nếu được Quốc hội thông qua, Chương trình năm 2024 gồm: Tại kỳ họp thứ bảy thông qua 10 luật (bao gồm 8 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu và 2 luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật), 4 nghị quyết (trong đó có Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng), cho ý kiến 12 dự án luật; tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2024) thông qua 12 luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy), cho ý kiến 12 dự án luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua 2 pháp lệnh.

Về Chương trình năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình năm 2025: Tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025), thông qua 12 luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám), 1 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật; tại kỳ họp thứ mười (tháng 10-2025), thông qua 10 luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín); giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền bổ sung các dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười.

truongxuancu.jpg
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Thủy Nguyên.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo và quyết liệt triển khai thực hiện để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; bám sát và thực hiện nghiêm túc kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trình dự án 1 Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật tại kỳ họp thứ bảy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.