Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cụ thể hóa việc đánh giá phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

Vũ Ngọc Lân| 22/10/2015 06:43

(HNM) - Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có đề ra phương hướng nhiệm vụ:


Đây là một trong những nội dung mới trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc giáo dục đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân đã được Đảng ta đề ra trong nhiều nghị quyết, văn bản có tính pháp quy của Nhà nước. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói, bài viết, tác phẩm nói về đạo đức cách mạng như: "Tư cách một người cách mạng" (1927); "Chủ nghĩa cá nhân" (1948); "Cần, kiệm, liêm, chính" (1949); "Đạo đức công dân" (1955); "Đạo đức cách mạng" (1955); "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" (1969).

Trong Di chúc, Người không quên căn dặn lại: "Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Ở nhiều bài nói và viết, Người định nghĩa rất rõ ràng, đầy đủ về đạo đức cách mạng. Nhiều năm qua, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động này đã được phát động trong toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.

Vậy tại sao vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...? Để việc "rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng" trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đi vào cuộc sống, tạo ra sự chuyển biến thật sự trong cán bộ, đảng viên, cần phải có bước đột phá gì? Thiết nghĩ, cần cụ thể hóa hơn nữa, đi sâu vào 3 nội dung lớn sau đây:

Trước hết, đặc biệt chú ý đến cái "gốc" của "gốc". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đạo đức là "gốc" của người cách mạng. Đồng thời, Người khẳng định trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" rằng: "Cán bộ là cái gốc của mọi việc"; "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Do vậy, trước hết, cần tập trung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, bởi nếu cán bộ dù có tài mà không có đức thì sẽ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham ô có hại cho Nhà nước. Bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng luôn luôn gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân.

Những cán bộ mắc các bệnh như tham nhũng, quan liêu, lãng phí..., suy đến cùng đều do chủ nghĩa cá nhân mà ra. Do vậy, một trong những tiêu chí cụ thể hóa đạo đức cách mạng của cán bộ là 6 chữ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Những cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách bất chính cần được xem xét trên cơ sở tự phê bình và phê bình, tự giác kê khai tài sản, thu nhập của bản thân và gia đình, người thân. Đồng thời, có cơ chế công khai, minh bạch để các cấp ủy đảng, cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân kiểm tra, giám sát. Rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ cũng không nên chung chung mà tập trung vào những lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, địa phương, cơ sở dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như Đảng ta đã nhiều lần xác định.

Thứ hai, quán triệt và thực hiện phương châm "trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau". Tuy rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng là trách nhiệm của tất cả cán bộ, đảng viên, nhưng trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào sự gương mẫu của những người đứng đầu trước. Trên cơ sở nguyên tắc tự phê bình và phê bình, những cán bộ, đảng viên là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị từ Trung ương tới cơ sở định kỳ hoặc đột xuất cần tự giác kiểm điểm xem trong thời gian qua đã phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng như thế nào, đem lại hiệu quả ra sao, so với trước đó có mặt nào tiến bộ.

Việc kiểm điểm cần tập trung vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý; phát huy dân chủ của cấp dưới ra sao; tác phong, mối quan hệ với quần chúng nhân dân như thế nào...? Nếu những người đứng đầu gương mẫu trong tự phê bình thì ắt hẳn cấp dưới sẽ phải noi gương, làm theo. Cùng với sự tự giác của người đứng đầu thì công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng cùng cấp và của cấp trên, của quần chúng nhân dân là rất quan trọng. Sự nêu gương của người đứng đầu trong rèn luyện đạo đức cách mạng và có những quy định, quy chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu sẽ góp phần vô cùng quan trọng để giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cấp dưới cũng như cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.

Thứ ba, thật sự dựa vào dân để đánh giá, nhận xét phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Trong Điều lệ Đảng đã khẳng định Đảng "chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào dân để xây dựng Đảng", thế nhưng nguyên tắc này chưa được cụ thể hóa bằng những cơ chế, quy chế cụ thể, đầy đủ. Trong thực tế, người dân chưa được hỏi ý kiến về cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo của họ. Trong khi đó, quần chúng nhân dân có thể hiểu rất rõ, nắm khá chắc cán bộ lãnh đạo của họ hoặc sống quanh họ.

Do vậy, Đảng cần có cơ chế để quần chúng, nhân dân có điều kiện và tích cực tham gia xây dựng Đảng, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta". 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cụ thể hóa việc đánh giá phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.