(HNMO) - Sáng 27/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thay mặt Chính phủ trình dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Theo Tờ trình của Chính phủ, qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, tổ chức của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.
“Từ khi Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 845.950 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố 733.339 vụ án hình sự với 1.146.865 bị can”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được trong hoạt động điều tra hình sự theo Pháp lệnh năm 2004, thực tế cũng cho thấy Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như: còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên… chưa cụ thể; chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ chiến lược cải cách tư pháp và các quy định của Hiến pháp năm 2013… Vì vậy, việc ban hành và xây dựng Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự sẽ tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương và 75 điều.
Dự luật quy định về nguyên tắc tổ chức, quan hệ phối hợp, giám sát, kiểm sát hoạt động điều tra hình sự; về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; về điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; về bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo cũng quy định hệ thống các cơ quan điều tra gồm: cơ quan điều tra của công an nhân dân, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các cơ quan điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra mọi nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang |
Cụ thể hóa hơn nữa tiêu chí xác định thẩm quyền cơ quan điều tra các cấp
Thẩm tra dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành cũng như quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề quan trọng được sửa đổi trong dự thảo Luật, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chưa được nêu trong Tờ trình như bổ sung, đổi tên một số cơ quan điều tra chuyên trách, trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, Cán bộ điều tra...; Báo cáo tổng kết chưa nêu được thực trạng và những mặt hạn chế cần khắc phục của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra...
Đáng chú ý, về bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hànhvì cho rằng, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay thường có địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong khi đó, hoạt động của các cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này.
Đối với cơ quan Kiểm ngư, mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển nhưng trên địa bàn này cũng có lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng nên loại ý kiến này cũng đề nghị cân nhắc việc bổ sung Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ bổ sung các cơ quan trên được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bởi đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe tội phạm.
Nếu cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (không tiến hành điều tra toàn diện một vụ án hình sự) thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này.
Hơn nữa, việc giao các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách. Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư, thực tế cho thấy việc giao cơ quan này là cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra còn góp phần tăng cường vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Về mô hình tổ chức của Cơ quan điều tra, nhiều ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay có một số điểm hạn chế đó là không tách bạch được hoạt động điều tra theo tố tụng với hoạt động trinh sát, giữa điều tra theo tố tụng với xử lý vi phạm hành chính, dễ dẫn đến việc thực hiện trùng lắp các chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ và có thể còn dẫn đến việc điều tra, xử lý vụ việc một cách khép kín, thiếu khách quan.
Có ý kiến nhận xét, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay còn có sự phân công không hợp lý giữa các cơ quan điều tra các cấp. Theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng, Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử các tội có mức hình phạt đến 15 năm tù thì đáng lẽ thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp huyện cũng phải được tăng cường tương ứng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện được yêu cầu nêu trên mà vẫn quy định theo hướng Cơ quan điều tra của Bộ và Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra một số tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, điều này là chưa thật hợp lý. Do đó, dự luật cần cụ thể hóa hơn những tiêu chí để xác định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra các cấp, nhất là đối với Cơ quan điều tra cấp Bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.