Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cốt lõi của tiết giảm chi phí

Hoàng Thu Vân| 28/02/2012 06:40

(HNM) - Kể từ khi Bộ Tài chính đề nghị các


Tại hội nghị của Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm, phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, đây là "mệnh lệnh thực thi theo Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội".

Về "bề nổi", có thể thấy rõ hiệu quả của phong trào tiết giảm chi phí đối với các tập đoàn, tổng công ty, vốn được coi là "đầu tàu" của nền kinh tế trong các lĩnh vực. Trước hết, hiệu quả đó được thể hiện qua số tiền cụ thể mà các đơn vị đăng ký tiết giảm. Như vậy, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng ở từng đơn vị sẽ được tiết kiệm để sử dụng cho những phần việc, mục tiêu cấp thiết mà không bị rơi vào tình trạng lãng phí, hoặc "vung tay quá trán" cho những hoạt động không đem lại lợi ích thiết thực. Điều đó là đặc biệt cần thiết cho xã hội trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam và toàn cầu đang gặp phải không ít khó khăn. Cũng về "bề nổi", sự tiết giảm của các "ông lớn" sẽ giúp cho việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó chia sẻ với những khó khăn chung của toàn xã hội, mà cụ thể là của từng người dân. Ví dụ như việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt ra mục tiêu tiết kiệm khoảng 1 tỷ kWh giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 1.300 tỷ đồng. Đó là việc làm cần thiết trước khi đặt vấn đề giá điện bây giờ đã phù hợp với thực tế hay chưa? Hoặc như cam kết tiết giảm 137 tỷ đồng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ tương đương với việc hạ 15 đồng đối với mỗi lít xăng, dầu xuất bán trong năm 2012...

Nhìn sâu xa hơn, vấn đề hay mục tiêu cốt lõi đặt ra trong tiết giảm các chi phí là nhằm nâng cao năng lực quản lý, tăng cường khả năng cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty. Việc đổi mới mô hình tổ chức, quản trị các doanh nghiệp theo hướng hiện đại; đặc biệt là sự minh bạch trong cơ chế khoán, quản chi phí, điều hành kế hoạch kinh doanh; đổi mới công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm... cũng chính là bước khởi đầu tất yếu để tiến tới thực hiện quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây cũng là vấn đề sống còn đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đòi hỏi của tình hình thực tế.

Các "ông lớn" của chúng ta đã có một thời gian dài luôn nhận được sự ưu ái từ "bầu sữa" ngân sách, do đó khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng trên thương trường cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh thực tế đều có vấn đề. Vì vậy, vai trò chủ đạo, "đầu tàu" dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế đất nước thể hiện rất mờ nhạt.

Nói vậy để thấy chủ trương tiết giảm chi phí quản lý, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty trong giai đoạn này là hết sức cần thiết và là yêu cầu của thực tế tình hình. Tuy nhiên không thể triển khai thực hiện theo kiểu... phong trào, hô khẩu hiệu, chạy đua với các con số để lập thành tích. Việc giảm chi phí mà dẫn tới hệ thống quản trị của các tập đoàn, tổng công ty kém đi thì hiệu quả sẽ không như mong muốn, thậm chí còn là sự lo ngại của toàn xã hội khi các sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Chẳng hạn như không thể tiết giảm chi phí theo kiểu một khu nhà, căn hộ bị rút bớt xi măng, sắt thép... Đó không phải là sự tiết giảm do đổi mới cung cách quản lý mà là những đồng tiền có được do ... "rút ruột" sản phẩm. Vậy nên, bên cạnh những cam kết tiết giảm chi phí của các tập đoàn, tổng công ty rất cần sự giám sát quá trình thực hiện của cơ quan chức năng đối với từng đơn vị để minh bạch hóa từng con số. Những đồng tiền ấy mới chính là cái đích mà chủ trương này hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cốt lõi của tiết giảm chi phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.