Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua

Đan Nhiễm| 07/12/2020 06:33

(HNM) - Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, trong đó nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau…”.

“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Người xuất phát từ lợi ích của nhân dân, mong đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập, tự do cho dân. Đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua yêu nước trong hơn 70 năm qua đã luôn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng; giúp nước ta làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong chiến tranh vệ quốc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và xây dựng để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn như ngày nay”.

Giai đoạn 2015-2020, những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đất nước có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình. Tiêu biểu là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Dạy tốt, học tốt”, “Dân vận khéo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... Đại diện ưu tú cho những “bông hoa việc tốt” kể trên là 2.020 đại biểu chính thức sẽ tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, diễn ra trong hai ngày 9 và 10-12 sắp tới.

Nhiệm vụ đưa đất nước ta phát triển với mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2030, 2045 như Đảng ta định hướng trong giai đoạn tới sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn. Vì thế, phong trào thi đua yêu nước cũng cần phải có sự đổi mới hơn nữa.

Sự đổi mới ấy không đâu xa, mà trước hết cần bám sát ngay thực tiễn cuộc sống. Trong đó, nhất quán đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua". Ví như hiện nay, đó chính là làm sao để mỗi người tự giác chấp hành tốt những quy định phòng dịch Covid-19 qua việc không tụ tập đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng; tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm trong quá trình công tác hoặc các gia đình bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định… Từng việc nhỏ được chu toàn chính là “góp gió thành bão” để mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư chung tay vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Với yêu cầu đó, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cấp mình.

Đối tượng thi đua cần mở rộng nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cũng nên phát động theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức, tránh lối mòn, tẻ nhạt.

Quá trình triển khai các phong trào thi đua cần chú ý đến công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc; chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp.

Đối với Thủ đô Hà Nội, phát huy truyền thống là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục giữ vững ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước. Các phong trào thi đua cần gắn với việc triển khai đưa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống. Chú trọng bồi dưỡng, xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới. Phong trào thi đua phải tạo động lực góp phần giải quyết tốt nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương, tập trung vào những lĩnh vực, những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, có thể huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện.

Khi mà mỗi người đều thấm nhuần tư tưởng công việc hằng ngày chính là thi đua, từ đó sống, làm việc có trách nhiệm hơn với cộng đồng, khi ấy công tác thi đua trở thành “bệ phóng” cho phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.