(HNM) - Trong số các công trình cấp nước sạch được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì không ít công trình hoạt động không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí bởi lý do quản lý yếu kém.
Công trình nước sạch nông thôn liên xã Thanh Thùy - Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Bá Hoạt |
Hoạt động phập phù
Công trình cấp nước thôn Hương Canh được UBND huyện Ba Vì đầu tư xây dựng năm 2009 và bàn giao cho xã Khánh Thượng (sau đó UBND xã giao cho cộng đồng quản lý) đưa vào sử dụng năm 2010. Công trình có công suất 200m3/ngày - đêm, cấp nước cho 100 hộ dân. Tuy nhiên, do là trạm cấp nước tự chảy, sử dụng nguồn nước mặt từ suối, không có hệ thống khử trùng, cụm đầu mối không được vệ sinh thường xuyên... dẫn tới mạng lưới đường ống xây dựng lâu năm bị hoen gỉ, tỷ lệ thất thoát nước cao. Thêm nữa, vì được quản lý bởi cộng đồng nên không có cán bộ chuyên trách vận hành, không có vốn để tái đầu tư và sửa chữa nên công trình ngày một xuống cấp trầm trọng. Mới đây, khi kiểm tra thực tế, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đánh giá, trạm cấp nước này hoạt động không hiệu quả...
Không riêng Khánh Thượng, trên địa bàn huyện Ba Vì có 16 công trình cấp nước thì 7 trạm được đánh giá hoạt động không hiệu quả, 5 cái khác đã ngừng hoạt động do hư hỏng. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, do đặc thù địa hình đồi núi, mạng lưới đường ống chịu sự ảnh hưởng lớn của các yếu tố thiên nhiên, đơn cử như sau một trận mưa lớn có thể gây tắc đường ống. Hơn nữa, hầu hết trạm cấp nước này được đầu tư theo Chương trình 134, 135 cho đồng bào dân tộc miền núi, không thu tiền nước của nhân dân nên không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa... dẫn đến xuống cấp và nhanh chóng rơi vào tình trạng hoạt động kém.
Thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn cho thấy: Giai đoạn từ năm 1990 đến hết năm 2016, trên địa bàn TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng 119 công trình cấp nước tập trung từ nhiều nguồn vốn (Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn, Chương trình 134, Chương trình 135, vốn vay Ngân hàng thế giới, vốn doanh nghiệp (DN) tự đầu tư). Trong số đó, hiện có 86 công trình hoạt động nhưng không đồng đều; còn lại, 11 trạm đang được xây dựng, 22 công trình xây dựng dở dang từ nhiều năm nay hoặc đã từng hoạt động nhưng hiện xuống cấp trầm trọng.
Cần thống nhất cách quản lý
Thực tế, nhiều nơi đang thiếu nước sạch, trong khi không ít công trình cấp nước hoạt động phập phù hoặc "đắp chiếu" là sự lãng phí. Các công trình cấp nước sạch nông thôn được UBND thành phố giao cho UBND các huyện đầu tư và quản lý. Theo đó, các công trình cấp nước sau khi hoàn thiện (trừ các trạm cấp nước do DN đầu tư) được chủ đầu tư bàn giao cho UBND xã quản lý, vận hành, khai thác. Sau đó, nhiều xã bàn giao cho cộng đồng và hợp tác xã quản lý. Như vậy, trên địa bàn thành phố hiện có 4 mô hình quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: Cộng đồng, UBND xã, hợp tác xã và DN.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Đỗ Quý Hùng nhận định: Việc UBND các xã hoặc do cộng đồng quản lý trạm cấp nước, do hạn chế trong nhiều khâu như: Năng lực chuyên môn, bộ máy quản lý chuyên trách kiểm tra, đánh giá chất lượng nước, hạch toán thu chi, duy trì bảo dưỡng máy móc... nên hệ quả là công trình hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh, thất thoát lớn, chất lượng dịch vụ kém, thậm chí, nhiều công trình "chết khô". Mô hình DN và mô hình hợp tác xã quản lý được đánh giá là tương đối hiệu quả bởi có công nhân quản lý vận hành được đào tạo chuyên môn; có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; giá thành được tính toán bảo đảm phù hợp cung - cầu; có khả năng khắc phục kịp thời sự cố; chất lượng nước tương đối đạt chuẩn...
Trước tình trạng trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đang đề xuất với thành phố chuyển đổi mô hình quản lý các trạm cấp nước theo nguyên tắc: Giữ nguyên mô hình quản lý đối với các trạm cấp nước UBND thành phố đã giao cho DN. Đối với các trạm cấp nước do chính quyền các cấp giao DN quản lý cần yêu cầu DN hoàn thiện thủ tục theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tương tự, đối với các công trình cấp nước do hợp tác xã quản lý, nếu hoạt động hiệu quả cần hoàn thiện thủ tục theo quy định; còn lại các mô hình hoạt động không hiệu quả, bao gồm công trình do UBND xã và cộng đồng quản lý nên chuyển đổi mô hình theo hướng xã hội hóa, giao cho DN hoặc hợp tác xã có đủ năng lực vận hành, khai thác theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC để các công trình cấp nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.