(HNMO) - Sáng 14-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo thành phố 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TƯ ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng”.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy; các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khối tư tưởng, khoa giáo trên địa bàn thành phố...
6 tháng qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã đổi mới phương thức hoạt động công tác tư tưởng, tuyên giáo, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong quá trình thực hiện công tác tư tưởng. Ban Tuyên giáo đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội, chủ động, tích cực, tập trung triển khai các nội dung trọng tâm công tác tuyên giáo. Cụ thể, Ban Tuyên giao đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy triển khai việc học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII) tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Đảng bộ thành phố; chủ động tham mưu giúp Thành ủy triển khai các đề án, chuyên đề trên lĩnh vực xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố, các Chương trình công tác của Thành ủy và Nghị quyết đại hội các cấp; triển khai thực hiện 2 đề án, 2 chuyên đề và 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố...
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tích cực phối hợp với các sở, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trên từng lĩnh vực, gắn với chương trình hành động triển khai nghị quyết Đại hội XII Đảng và của Thành ủy trong công tác tuyên giáo; chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn thành phố...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên giáo thời gian qua cũng còn một số hạn chế như: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở xã, phường, thị trấn làm theo kinh nghiệm, việc nắm bắt thông tin chưa kịp thời dẫn đến hạn chế trong công tác tuyên truyền. Một số cấp ủy đảng ở cơ sở nhận thức chưa đầy đủ vị trí, vai trò của công tác tư tưởng; cán bộ làm công tác tuyên giáo chưa được quan tâm quy hoạch dài hạn; việc nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những vấn đề mới nảy sinh có lúc còn chưa kịp thời...
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2017 là: Tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Thành ủy; trước mắt tập trung chỉ đạo việc quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), chuyên đề năm 2017 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" về phòng chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ đạo định hướng các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và Thủ đô, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Năm APEC 2017...
Nhấn mạnh một số công việc trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, với từng công việc, ngành Tuyên giáo Thủ đô đều phải tập trung tổng kết thực tiễn, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện. Cấp ủy các cấp phải giao trách nhiệm và thành lập bộ phận theo dõi thông tin trên báo chí để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, không để thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Ngành Tuyên giáo thành phố cũng sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở, xây dựng quy trình tuyên truyền ở những điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Để công tác tuyên giáo của thành phố năm 2017 được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực và đi vào chiều sâu, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị cán bộ, lãnh đạo ngành Tuyên giáo Thủ đô mạnh dạn nghiên cứu những phương thức mới trong công tác tuyên giáo, nhất là đổi mới công tác thi đua- khen thưởng theo hướng ngày càng thực chất, đúng người, đúng việc...
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc, đột phá công tác tuyên giáo cả về nội dung, phương thức
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của ngành Tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở. 6 tháng đầu năm, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã hoàn thành tốt và toàn diện mọi nhiệm vụ, với số lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, yêu cầu ngày càng cao hơn.
Nhất trí với những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo 6 tháng của ngành, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh một số vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tuyên giáo Thủ đô cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, ngành Tuyên giáo cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng công tác tư tưởng vững chắc từ cơ sở, lấy địa bàn dân cư: thôn, xã, tổ dân phố, phường, các đơn vị sản xuất, đơn vị công tác làm trọng điểm. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, ngành Tuyên giáo Thủ đô cần tiếp tục tăng cường đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc, đột phá về nội dung, phương thức công tác tuyên giáo theo hướng tăng cường tính thuyết phục, hiệu quả, nâng cao tính chủ động và sức chiến đấu trên mặt trận tư tưởng của Đảng; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với cấp ủy nắm bắt tình hình, hướng dẫn dư luận xã hội, nhất là những vấn đề tư tưởng mới nảy sinh liên quan đến những lĩnh vực công tác nhạy cảm, phức tạp; đấu tranh phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước; làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng và củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân...
Thứ ba, ngành Tuyên giáo phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo công tác báo chí xuất bản, phát huy hơn nữa vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, chính quyền thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng...
Thứ tư, hệ thống tuyên giáo Thủ đô tiếp tục chủ động triển khai tốt các chương trình, đề án công tác tư tưởng tuyên giáo, bám sát 8 chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; làm tốt vai trò là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy và trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Thứ năm, ngành Tuyên giáo tiếp tục làm tốt công tác biên soạn lịch sử Đảng, đồng thời, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến để đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng địa phương tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TU. Định hướng và chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ và thực hiện tốt Chương trình 04 của Thành ủy về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tiếp tục triển khai có hiệu quả 2 Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm Văn hiến – Anh hùng- Thành phố hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.