(HNM) - Ở cấp xã, vẫn còn tình trạng nhầm lẫn về thẩm quyền đơn vị thụ lý, chưa phân biệt được đơn khiếu nại với đơn kiến nghị, đơn tố cáo với đơn phản ánh.
Nhầm lẫn về thẩm quyền đơn vị thụ lý
Bốn sở, ngành và 8 quận, huyện Đoàn ĐBQH TP Hà Nội giám sát là Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông, các huyện Mê Linh, Hoài Đức và Ứng Hòa. Kết quả giám sát và báo cáo của UBND TP tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH chiều 13-8 cho thấy các cấp ủy, chính quyền đã chú trọng xử lý đơn thư tồn đọng. Từ nghiên cứu đơn thư, cơ quan chức năng đã thụ lý 2.443 vụ khiếu nại tố cáo (KNTC) và giải quyết 2.022 vụ, kiến nghị thu hồi 3,2 tỷ đồng; thu hồi 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trả lại cho công dân hơn 1 tỷ đồng, 856m2 đất; đồng thời, điều chỉnh lại 21 phương án bồi thường hỗ trợ GPMB; kiến nghị xử lý vi phạm TTXD 6 trường hợp, hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đặc biệt, các cấp, ngành đã kiểm điểm trách nhiệm 70 tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong một số lĩnh vực, chuyển công an điều tra 3 vụ.
Dù đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng ông Chu Sơn Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, lãnh đạo một số đơn vị chưa phát huy hết trách nhiệm trong thực thi công vụ. Ngay trong quá trình Đoàn ĐBQH TP Hà Nội giám sát việc tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC, hầu hết đơn vị được giám sát đều gửi kết quả báo cáo chậm so với mốc thời gian Đoàn yêu cầu. Hiện vấn đề tồn tại trong quá trình giải quyết KNTC cần khắc phục ngay là thiếu quy trình xử lý đơn thư thống nhất để các quận, huyện dễ áp dụng.
Ở cấp cơ sở, một số xã, phường thuộc các quận, huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Hà Đông còn nhầm lẫn về thẩm quyền đơn vị thụ lý, chưa phân biệt được đơn khiếu nại với đơn kiến nghị, đơn tố cáo với đơn phản ánh, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý. Trong khi đó, công tác kiểm tra, đôn đốc của các cấp, ngành còn chậm và chưa hiệu quả. Đặc biệt, có đơn vị chỉ chú trọng xử lý theo thẩm quyền, chưa quan tâm công tác phối hợp. Minh chứng rõ nhất là trong chương trình làm việc với UBND TP Hà Nội về thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết đơn KNTC, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị UBND TP mời TAND TP Hà Nội cùng dự để nắm thông tin, trả lời công dân về lộ trình giải quyết một số mâu thuẫn đất đai trên địa bàn quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm và UBND TP đã gửi giấy mời nhưng đại diện TAND TP không có mặt. Qua giám sát còn cho thấy, vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở, sự phối hợp của chính quyền với MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân còn hạn chế. Công tác vận động, thuyết phục, đối thoại, hòa giải để người KNTC hiểu đúng chính sách pháp luật, tự giác chấp hành quyết định giải quyết làm chưa tốt.
Thành phố sẽ tăng cường hậu kiểm
Ngoài những bất cập trên, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng thừa nhận, lãnh đạo một số đơn vị chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc giải quyết KNTC, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nên chất lượng hòa giải, đối thoại từ cơ sở còn chưa cao. Trình độ cán bộ còn hạn chế, các nghị định, văn bản về đất đai liên tục thay đổi, chưa phù hợp với thực tiễn; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại còn mâu thuẫn, chồng chéo; người hưởng chính sách sau được hưởng lợi hơn người hưởng chính sách trước khiến người dân so bì, khiếu kiện gay gắt… Trung bình một năm, cấp thành phố phải giải quyết trên 500 vụ khiếu nại lần 2. Một năm trở lại đây, số lượt đoàn đông người lợi dụng quyền KNTC để kích động, xúi giục, lôi kéo người dân có những hành vi quá khích tại nơi tiếp dân, giải quyết đơn thư, nhằm tạo sức ép với chính quyền tăng hơn so với trước. Có những khiếu nại đã qua 3 đời lãnh đạo, công dân vẫn tiếp tục kiện vì không đồng ý với kết quả xử lý.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tìm giải pháp khắc phục tồn tại, đổi mới cách thức giải quyết KNTC. Trước mắt, thành phố sẽ tăng cường hậu kiểm việc xử lý đơn thư. Với những vụ việc khó, lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp vào cuộc, nghiên cứu hồ sơ cùng giải quyết với các quận, huyện. Nếu công dân vẫn không đồng tình, Hà Nội sẽ mời đội ngũ luật sư tham gia, góp ý kiến trong từng khâu, từ nhận định, thụ lý hồ sơ đến đánh giá vụ việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.