(HNM) - Năm 2018, ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất nhập khẩu 0% theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Dây chuyền lắp ráp tại Công ty CP Ô tô Trường Hải. Ảnh: Chí Hiếu |
Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 3-2017, có thêm 6.700 ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam, với mức giá trung bình 394 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm các loại thuế, phí). Tính chung 3 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 16.300 ô tô con nhập khẩu về Việt Nam, với giá khai báo hải quan trung bình là 328 triệu đồng/chiếc (chưa gồm thuế, phí). So với cùng kỳ năm 2016, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần (3 tháng năm 2016 chỉ có 6.900 chiếc nhập về Việt Nam) và giá thấp hơn 90 triệu đồng/chiếc (giá trung bình 3 tháng đầu năm 2016 là hơn 418 triệu đồng/chiếc).
Rõ ràng xu hướng thị trường ô tô Việt Nam đang chuyển dịch sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, khi giá xe ngày càng rẻ do những thay đổi chính sách về thuế và nhập khẩu. Cụ thể là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, tính theo dung tích từng dòng xe (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), đã tác động khá mạnh đến giá bán lẻ. Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam mới về mức 0% nhưng từ cuối năm 2016, đầu năm 2017 lượng xe ô tô dưới 9 chỗ từ Indonesia, Thái Lan vào Việt Nam đã tăng chóng mặt. Chưa kể, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu cũng quy định thuế suất nhập khẩu ô tô từ Châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm nữa. Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc quy định ô tô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0%.
Hiện, cả nước có hơn 400 doanh nghiệp chế tạo ô tô, đa số quy mô vừa và nhỏ, tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460 nghìn xe/năm. Tuy áp lực “mở cửa” đến rất gần nhưng hiện ngành Công nghiệp ô tô trong nước mới chỉ làm được những khâu đơn giản. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi vẫn trên dưới 10%, không đạt được mục tiêu 60% vào năm 2010. Giá bán xe vẫn ở mức cao trong khu vực; chất lượng xe theo đánh giá của người tiêu dùng chưa bằng xe nhập khẩu. Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, thực tế trước năm 2014, nguyên nhân của vấn đề này là một số chính sách về thuế và phí của chúng ta chưa ổn định khiến các nhà sản xuất và lắp ráp chưa yên tâm đầu tư. Để giải quyết, chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 đã đề ra mục tiêu ổn định các chính sách ít nhất trong 10 năm.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt quy mô sản xuất chế tạo trong nước 30-40% dòng xe dưới 9 chỗ ngồi. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất nghiên cứu hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại trong khai báo thuế, gian lận C/O (xuất xứ hàng hóa) nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Cùng với đó là hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng… và phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu. Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới; tập trung vào cơ hội, khó khăn, thách thức đối với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước từ thời điểm năm 2018; dự báo cung - cầu ô tô trong nước và khu vực…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.