Trong những cánh rừng già, nhiều cây gỗ quý như lim, sến, giáng hương... dù nằm sát khu dân cư nhưng bao lâu nay không bị chặt phá, xâm hại. Thoạt nghe tưởng như đùa, nhưng đó là “chuyện lạ có thật” ở vùng đất phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị. Các loại gỗ quý được bảo vệ, giám sát nghiêm ngặt bởi các luật tục, với sự tham gia của người còn sống và người đã khuất.
Giữ rừng bằng luật tục
Lìa là tên gọi vùng đất nằm về phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị, thuộc huyện Hướng Hóa, bao gồm các xã Thanh, Thuận, Hướng Lộc, A Xing, A Túc, Xy, A Dơi và Pa Tầng. Tại vùng đất này, đan xen những cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao, hầu như xã nào cũng có một cánh rừng thiêng gần khu dân cư luôn xanh tốt, có nhiều cây gỗ quý mà người dân bản địa, chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, gọi là “rừng thiêng” hay “rừng ma”.
Già Hồ Văn Phâng (75 tuổi, ngụ bản Kỳ Tăng, Lìa, huyện Hướng Hóa) cho biết, “rừng ma” là nơi chôn cất người chết. Theo phong tục địa phương, đây là nơi linh thiêng, không ai được tự tiện ra vào. Xưa, bà con Pa Kô, Vân Kiều quan niệm rằng con người cũng như cái cây, con thú trên rừng, có sinh ra, lớn lên rồi chết đi. Sống được rừng che chở nên khi chết phải trở lại với rừng, tiếp tục gắn bó với rừng ở một thế giới khác. Vì vậy, người thân thường chôn người đã khuất dưới những gốc cây to, mong thần rừng che chở cho linh hồn của người đã khuất và họ coi chốn ấy là cõi thiêng bất khả xâm phạm. “Những ngày đầu lập bản làng, người chết đầu tiên được chôn ở đâu thì cánh rừng đó được dân bản chọn là “rừng ma”. Dần dà, khu rừng đó trở thành nơi yên nghỉ của ông bà, tổ tiên nên không ai được vào quấy phá. Trường hợp bất đắc dĩ, nếu muốn vào “rừng ma” thì phải sắm lễ cho già làng cúng tế, xin phép con ma rừng trước. Nhà giàu có thì lễ trâu, bò, còn nhà nghèo phải có con heo hay con gà trống choai màu vàng óng. Nếu không cúng thì người vào rừng khi trở về sẽ bị thần linh trách phạt, gây họa cho mọi người trong gia đình và dân bản, lúc ấy sẽ bị làng phạt nặng bằng trâu bò” - già Hồ Văn Phâng nói.
Dọc biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị, hàng chục cánh “rừng ma” gần khu dân cư với toàn cây to, cổ thụ có giá trị, cây to nhất 2 - 3 người ôm, cao 30 - 40m, đã được bảo vệ nhờ luật tục từ bao đời nay. Ông Hồ A Kiếp ở xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông) kể cho chúng tôi nghe nhiều câu truyền kỳ bí ở rừng thiêng thôn Khe Hiên, xã Hướng Hiệm với diện tích rộng khoảng 100ha, có nhiều cây cổ thụ quý như dổi, gõ, sú, chủa, huỵnh... Ông bảo, khu rừng thiêng Khe Hiên có từ hàng trăm năm nay, ông đã được nghe kể nhiều chuyện huyền bí về nó. Mỗi gia đình, thành viên trong cộng đồng đều phải có trách nhiệm giáo dục, truyền lại cho lớp hậu sinh những điều răn dạy của tiền nhân về khu này. “Những cánh rừng thiêng không cần giữ vì không có chuyện người dân đụng vào, kể cả măng, cây thuốc phải xin già làng mới được vào hái. Người ngoài vào phá rừng thì phạt càng nặng” - ông Kiếp cho hay.
Trò chuyện với ông Nguyễn Minh Hiền, Trưởng Trạm kiểm lâm khu vực Lao Bảo, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, thì mới hay, hiện trên địa bàn 7 xã vùng Lìa có hơn 1.000ha rừng tự nhiên. Riêng “rừng ma” có hàng chục khu với diện tích hàng trăm hécta. “Rừng ma” ở vùng Lìa được bảo vệ nghiêm ngặt bằng các luật tục dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nên nhiều cây gỗ quý to đến 3 người ôm, cao hàng chục mét vẫn tồn tại. Đồng bào Pa Kô, Vân Kiều coi những gốc cổ thụ này là nơi linh hồn người đã khuất trú ngụ. Vì vậy, có cho họ cũng chẳng dám cưa hạ, lấy về” - ông Hiền chia sẻ.
Để dành cho con cháu
Ở vùng Lìa, không chỉ trong những cánh “rừng ma” mà ngay ngoài vườn nhà, trên rẫy đều có loài gỗ quý giáng hương thuộc nhóm IIA. Dường như đi đâu cũng thấy cây gỗ giáng hương cổ thụ mà người Vân Kiều gọi là “xa rưi”, trong khi người Pa Kô gọi là “trưi”. Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa quả quyết, trên địa bàn xã và một số xã lân cận, giáng hương nhiều vô kể. Nhiều cây phải đến vài người ôm, bóng ngả che nửa quả đồi. Mà chẳng cần phải đi xa để tìm, trên những cánh rừng thưa quanh bản làng đâu đâu cũng thấy giáng hương. “Đã một thời gian dài, do ảnh hưởng bởi tập quán du canh, du cư nên giáng hương nhường chỗ dần cho lúa, ngô, khoai, sắn và cây công nghiệp. Tuy vậy, trên địa bàn xã Lìa vẫn còn rất nhiều cây giáng hương, đặc biệt là trong các khu rừng ma và rẫy, vườn của người dân. Có nhà sở hữu đến hàng chục cây, nhà ít nhất cũng được vài ba cây. Phần lớn cây mọc tự nhiên và tái sinh từ những cây cũ từng bị chặt phá ngang gốc trước đó” - ông Thứ chia sẻ.
Ngay đầu thôn A Quan, xã Lìa, căn nhà sàn rợp bóng giáng hương của ông Hồ Xuân Deng (80 tuổi) dần hiện ra phía trước con đường mòn. Tại vườn nhà ông Deng có hàng chục cây giáng hương cổ thụ. Mỗi cây phải một đến hai người ôm mới xuể. Số cây này do ông Deng đào từ rẫy đưa về trồng, cũng đã gần 30 năm nay. Ông Deng thật thà kể, nhiều người tìm đến tận nhà trả giá, ngỏ ý mua cả gốc lẫn cây với giá hàng trăm triệu đồng nhưng ông từ chối dứt khoát: “Tôi để dành cho con cháu, không bán đâu”. Không chỉ ông Deng, nhiều gia đình khác ở vùng Lìa này cũng trả lời như vậy khi có người đến hỏi mua cây gỗ giáng hương. Sau giờ lên rẫy, ông Deng thường mắc võng dưới tán cây giáng hương nằm nghỉ, có lúc nhìn xa xăm về phía núi xa như để hoài niệm về ngày xưa cũ.
Chia tay bà con thôn A Quan, men theo con đường mòn rợp bóng giáng hương, chúng tôi đến rẫy của ông Hồ Văn Còm (47 tuổi, thôn Kỳ Tăng, xã Lìa). Tại rẫy ông Còm hiện có hơn 60 cây giáng hương mọc tự nhiên. Ông khoe đến mùa, hoa giáng hương nở li ti, thơm phức. “Cứ mùa hoa qua thì cây kết quả. Giáng hương ở vùng Lìa càng nhiều năm tuổi thì thớ gỗ càng đỏ và bền”, ông Còm nói và hứa chụp ảnh, gửi cho chúng tôi xem khi cây đến mùa hoa. Còn theo ông Nguyễn Minh Hiền, thời gian qua đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, trong đó có các khu “rừng ma”. Đối với cây giáng hương nằm trong diện tích đất có “sổ đỏ” của nhiều gia đình người địa phương thì khi khai thác phải được cơ quan chức năng cấp phép. Nếu tự ý khai thác thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Từ cuối năm 2022, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam công bố 5 cánh rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Trị do cộng đồng dân cư huyện Hướng Hóa quản lý được cấp chứng chỉ FSC và được chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon với diện tích gần 2.145ha rừng tự nhiên, tương ứng tổng lượng hấp thụ carbon hằng năm 7.000 tấn, tổng lượng lưu trữ là 350.000 tấn. Sau khi được cấp chứng chỉ FSC, cộng đồng bảo vệ rừng đã tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, ứng dụng điện thoại thông minh trong thu thập dữ liệu để quản lý rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của FSC. Việc này cho kết quả tích cực khi Quảng Trị nhận được hàng chục tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon. Đó là quyền lợi gắn với trách nhiệm gìn giữ rừng thiêng mà tổ tiên người Pa Kô, Vân Kiều để lại, góp phần hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.