Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công đoàn ngành Vận tải Đức đình công: Yêu cầu tăng lương trước áp lực lạm phát

Thùy Dương| 30/03/2023 06:32

(HNM) - Công đoàn Verdi, Công đoàn đường sắt và vận tải EVG tại Đức đã tiến hành cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào hôm 27-3 nhằm yêu cầu tăng lương để bù đắp tác động của lạm phát kéo dài, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng cao, làm giảm mức sống của người dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Cuộc đình công kéo dài 24 giờ khiến nhiều tuyến xe buýt, tàu hỏa và sân bay phải ngừng hoạt động.

Nhà ga vắng vẻ của sân bay Franz Josef-Strauss ở Munich (Đức) trong cuộc đình công.

Hiệp hội Sân bay ADV ước tính 380.000 hành khách đi máy bay đã bị ảnh hưởng do các chuyến bay bị hủy, bao gồm những chuyến bay tại hai sân bay lớn nhất của Đức ở Munich và Frankfurt. Công ty vận hành đường sắt Deutsche Bahn cũng dừng cung cấp dịch vụ. Ở Cologne, tình trạng thiếu các chuyến tàu trong thành phố khiến dịch vụ taxi bùng phát.

Lời kêu gọi đình công tập thể hiếm hoi ở Đức cho thấy sự leo thang tranh chấp tiền lương ngày càng gay gắt. Công đoàn Verdi đại diện cho khoảng 2,5 triệu lao động ở khu vực công, bao gồm giao thông công cộng và các sân bay, trong khi EVG đại diện cho 230.000 lao động tại các công ty vận hành đường sắt (Deutsche Bahn) và các công ty xe buýt. Các chủ sử dụng lao động đề nghị tăng thêm 5% tiền lương trong thời hạn 27 tháng cùng với khoản thanh toán một lần 2.500 euro.

Tuy nhiên, các công đoàn gọi đề xuất này là không thể chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát đã lên tới 9,3% trong tháng 2. Các công đoàn đề xuất tăng lương ở mức hai con số. Công đoàn Verdi yêu cầu tăng 10,5% tiền lương, tức là sẽ tăng ít nhất 500 euro mỗi tháng, trong khi EVG yêu cầu tăng 12%, tức là ít nhất 650 euro mỗi tháng.

Frank Werneke, người đứng đầu Verdi, cho biết: “Điều thực sự gây căng thẳng cho tất cả các nhóm thu nhập trung bình là giá gas, điện và thực phẩm tăng mạnh”. Theo số liệu từ văn phòng thống kê liên bang, giá năng lượng hộ gia đình ở Đức đã tăng 32% tính đến tháng 2, trong khi giá thực phẩm tăng 22%.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước cuộc xung đột ở Ukraine, đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả tăng vọt, với tỷ lệ lạm phát vượt mức trung bình của khu vực đồng euro trong những tháng gần đây. Giá tiêu dùng ở nước này đã tăng hơn dự đoán vào tháng 2 với mức 9,3% so với một năm trước đó.

Cuộc đình công lớn nhất ở Đức kể từ năm 1992 là cách người lao động quyết liệt thể hiện yêu cầu của họ về mức lương cao hơn để bù đắp cho chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Hai công đoàn trên đã bắt đầu 3 ngày đàm phán về tiền lương. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, người đại diện cho chính phủ liên bang trong các cuộc đàm phán cho biết, nhiều khả năng sẽ đạt được một giải pháp chung, theo đó các nghiệp đoàn sẽ nhượng bộ hơn về mức lương của người lao động.

Trong khi đó, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo, ông Clemens Fuest cũng tin rằng các nghiệp đoàn và giới chủ sẽ sớm đạt được một số thỏa hiệp, với mức tăng tiền lương thỏa đáng là 7%. Con số này vẫn chưa theo kịp mức lạm phát, nhưng sẽ giúp giảm nhẹ phần nào gánh nặng cho các hộ gia đình và người lao động.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo, khi tiền lương tăng cao sẽ kéo theo lãi suất tăng, làm tăng áp lực giá cả khi các công ty và người lao động đều cố gắng tránh tác động từ lạm phát. Nếu tăng lương, dư địa tài chính của Chính phủ Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ bị siết chặt, khiến các cuộc đàm phán ngân sách ngày càng trở nên khó khăn.

Bộ Nội vụ Đức cho biết, các yêu cầu tăng lương từ hai nghiệp đoàn trên tương đương bổ sung 1,4 tỷ euro một năm. Nếu đề xuất này mở rộng sang các khu vực công khác, khoản chi phí bổ sung sẽ là 4,7 tỷ euro. Lãnh đạo các đơn vị giao thông công cộng cũng cảnh báo rằng việc tăng lương cho nhân viên ngành Vận tải sẽ dẫn đến giá vé và thuế cao hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công đoàn ngành Vận tải Đức đình công: Yêu cầu tăng lương trước áp lực lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.