Theo chuyên gia tâm lý, phụ huynh hãy biết cách biến nỗi lo thành cơ hội để dạy con.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lam (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Con gái tôi rất thần tượng ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Đối với nó, chỉ có Sơn Tùng M-TP là quan trọng”. Cô bé là học sinh trung học, lúc ăn lúc ngủ cũng chỉ nghe nhạc Sơn Tùng khiến chị rất bực mình. Chị hỏi lý do con cuồng thần tượng đến vậy, cô bé giải thích: “Tại Sơn Tùng hát hay và đẹp trai”.
Chị Lam đã chia sẻ câu chuyện của mình và bày tỏ lo lắng với các chuyên gia tâm lý tại buổi tọa đàm “Gia đình - nền tảng hình thành nhân cách cho trẻ” tổ chức tại Nhà văn hóa Phụ nữ cuối tuần qua.
Gai mắt với thần tượng của con
Quyết tâm loại Sơn Tùng ra khỏi cuộc sống của con, mỗi khi tivi có chương trình ca nhạc, chị Lam rủ con xem cùng. Với những ca sĩ mình thích, chị nói ca sĩ này… hát hay hơn Sơn Tùng. Khi thấy ca sĩ có ngoại hình bắt mắt nhưng không nhuộm tóc xanh đỏ, không xăm trổ, chị nhận xét họ đẹp trai hơn Sơn Tùng. Được một thời gian, cô bé không còn nghe nhạc Sơn Tùng ở nhà nữa (hoặc có thể nghe mà chị không biết). Chị cho rằng mình đã thành công trong việc “đánh bật” Sơn Tùng ra khỏi cuộc sống của con.
Bà Đặng Thị Phượng (quận 8) lại lo lắng về đứa cháu trai quá cá tính, luôn cương quyết không để người lớn can thiệp vào sở thích của mình. Cậu bé thích các hình xăm nghệ thuật của thần tượng và một hôm về nhà, cậu bé khiến mọi người hoảng hồn với một hình vẽ trên người. Cậu giải thích đó chỉ là hình vẽ nhưng có thể một lúc nào đó cậu sẽ có một hình xăm thực sự. Bà Phượng đã rất kiên nhẫn để khuyên cháu “đừng làm chuyện tối kỵ là xăm mình”.
Nhiều phụ huynh trong khán phòng cho biết họ đã phải nổi điên lên khi thấy con cái bỗng một ngày nhuộm tóc đủ màu, ăn mặc không giống ai, cử chỉ kỳ cục giống thần tượng ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc. Chị Nguyễn Thị Hạnh (quận Phú Nhuận) cho biết chị luôn nhắc nhở con: “Người đó cũng bình thường thôi, không có gì đáng để thần tượng cả”.
Cơ hội tuyệt vời để giáo dục con
ThS tâm lý Hà Trung Thành (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM) trao đổi lại với các bậc phụ huynh: “Ca sĩ Trần Lập xăm đầy mình nhưng ai cũng yêu quý anh đó thôi. Khi anh mất, ai cũng tiếc thương, bởi anh là một hình mẫu đẹp về nghị lực sống”.
Theo ThS Thành, các bậc cha mẹ đừng dán nhãn cho con là hư, xấu khi con cái bắt chước thần tượng trong cách ăn mặc. Cách nhìn của giới trẻ chắc chắn có những khác biệt với cha mẹ nhưng cha mẹ hãy rộng lượng hơn và đừng áp đặt cách nhìn định kiến của thế hệ mình. Có thể những đứa trẻ sẽ làm theo sự áp đặt của cha mẹ trước mặt nhưng chúng sẽ làm điều chúng thích ở sau lưng người lớn. Và như vậy, phụ huynh sẽ vuột mất cơ hội rất quý giá để dạy con.
Theo ThS Thành, phụ huynh hãy tìm hiểu thần tượng của con, đừng công kích mà hãy chia sẻ và chỉ ra cái hay của thần tượng. Được đồng cảm như vậy, con trẻ sẽ rất hạnh phúc và học theo những cái hay đó rất nhanh.
Nếu con mê diễn viên Hàn Quốc, hãy thỉnh thoảng xem phim cùng con và lưu ý con những nét đẹp trong văn hóa của họ. Hãy chỉ cho con thấy cách người dưới lễ phép với người trên, cách họ bảo vệ các giá trị gia đình. Con trẻ sẽ học được rất nhiều từ chính thần tượng thông qua cách dạy của phụ huynh.
ThS Thành nói: “Đừng ngứa mắt khi thấy thần tượng của con tóc xanh tóc đỏ, đeo mấy cái bông tai. Thời tuổi trẻ của chúng ta cũng như vậy, cũng chạy theo trào lưu này, phong trào kia. Các con cũng vậy, điều này không có gì nghiêm trọng cả. Trào lưu nào rồi cũng sẽ qua thôi”.
Lấy kinh nghiệm từ bản thân mình, ThS Thành cho biết khi cùng nghe nhạc với con gái, ông nhận ra thần tượng của con mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị và xứng đáng là ngôi sao của giới trẻ. Các bậc cha mẹ sẽ không có được trải nghiệm đó nếu chỉ giữ trong lòng những chuẩn mực cũ đầy định kiến.
Cách giúp trẻ tránh thoát khuynh hướng bạo lực
Tại buổi tọa đàm, nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy con trẻ cổ vũ cho các hành động bạo lực ở trường học, về nhà có những lời nói thiếu lễ phép. Một số phụ huynh khác chia sẻ việc dạy dỗ những đứa trẻ trong gia đình đã tan vỡ hoặc trẻ không có cha gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
ThS Hà Trung Thành chia sẻ: “Những đứa trẻ dễ có khuynh hướng bạo lực nếu gia đình đó thường xuyên lục đục, đau khổ, người lớn thường xuyên cáu gắt. Vì vậy, cách tốt nhất để dạy con là hãy cố gắng sống vui vẻ, nói lời tử tế, dịu dàng với con và với mọi người xung quanh. Nhiều cha mẹ hễ nói lời nào cũng hằn học, khó chịu thì làm sao con trẻ nói được lời hay, lễ phép?”.
Chúng ta làm cha làm mẹ từ kinh nghiệm của cha mẹ chúng ta. Nhưng kinh nghiệm xưa có cái đúng, có nhiều cái rất sai. Chúng ta phải mở lòng ra, phải tìm học những kiến thức để làm cha mẹ thời hiện đại.
Th.S tâm lý Hà Trung Thành
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.