(HNM) - Khi nhiều nước trên thế giới đã "vượt đỉnh" dịch Covid-19, việc nhanh chóng sở hữu các loại vắc xin phòng SARS-CoV-2 được coi là "lệnh bài" quan trọng của nhiều quốc gia trong việc đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường.
Trước "cơn sốt" vắc xin ngừa Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi sự hợp tác toàn cầu, đề nghị các quốc gia coi vắc xin phòng SARS-CoV-2 là một hàng hóa công toàn cầu và phải bảo đảm tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng...
Tại hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế các nước Liên minh châu Âu (EU) về biện pháp chống lại sự lây lan của dịch bệnh mới đây, các bộ trưởng đã ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng quỹ khẩn cấp khoảng 2,4 tỷ euro (tương đương 2,7 tỷ USD) để thương lượng mua trước các loại vắc xin có tác dụng phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2.
Theo đó, EU sẽ mua hoặc cam kết mua các loại vắc xin tiềm năng ngay cả khi chưa được bào chế, bất chấp nguy cơ có thể thất bại trong thử nghiệm lâm sàng. Đổi lại, EU sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên với những lô vắc xin đầu tiên xuất xưởng. Việc chấp nhận rủi ro được xem là chiến lược của EU trong cuộc chạy đua sở hữu vắc xin. Mức dự toán EU dành cho kế hoạch này vượt xa con số 1,2 tỷ USD mà Mỹ đã ký với Hãng Dược phẩm AstraZeneca hồi tháng trước nhằm bảo đảm có được 300 triệu liều vắc xin.
Đáng chú ý, Hãng Dược phẩm AstraZeneca cũng là đơn vị nhận được hợp đồng của "liên minh" gồm Đức, Pháp, Italia và Hà Lan nhằm cung cấp 400 triệu liều vắc xin. Tập đoàn dược phẩm này cũng ký kết các thỏa thuận tương tự với Anh (dưới một danh nghĩa khác), đồng thời đạt được thỏa thuận về sáng chế tiến tới cung cấp 1 tỷ liều vắc xin cho Ấn Độ.
Theo các chuyên gia y tế, việc nhiều quốc gia gấp rút đầu tư để bảo đảm nguồn cung vắc xin cho người dân vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, "cơn sốt" cũng có thể dẫn tới những hệ lụy đáng lo ngại.
Thứ nhất, việc mua và tích trữ số lượng lớn vắc xin ngừa Covid-19 của các quốc gia có tiềm lực về kinh tế sẽ khiến các quốc gia nghèo không đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vắc xin.
Thứ hai, những hợp đồng béo bở với giá trị lên đến hàng tỷ USD sẽ tạo ra một cuộc đua khác ngay trong chính các nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Việc vội vã phát triển vắc xin và các loại thuốc chống Covid-19 thiếu đi sự hợp tác toàn cầu có thể dẫn đến những sản phẩm không an toàn, chưa đủ thời gian kiểm chứng. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì khi vắc xin không đạt tiêu chuẩn có thể sẽ gây biến chứng, làm suy yếu hệ miễn dịch của con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 10 loại vắc xin ngừa Covid-19 tiềm năng được thử nghiệm lâm sàng và hứa hẹn sẽ sớm sản xuất hàng loạt.
Trước "cơn sốt" vắc xin ngừa Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây lên tiếng kêu gọi các quốc gia hãy coi vắc xin phòng SARS-CoV-2 là hàng hóa công toàn cầu và phải bảo đảm tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng đối với bất kỳ loại vắc xin nào đang được phát triển. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thậm chí còn đề nghị các nhà lãnh đạo nên đưa ra cam kết chính trị về vấn đề này.
Ủng hộ quan điểm của WHO, nhiều nhà khoa học đồng tình cho rằng, thành quả nghiên cứu vắc xin Covid-19 nên được xem như tài sản của nhân loại, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất nên chú trọng tới việc đẩy lùi dịch bệnh hơn là lợi nhuận. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, các quốc gia không nên phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung cấp vắc xin - vốn là bài học đắt giá đã từng xảy ra khi nguồn cung không đáp ứng đủ khẩu trang và vật tư y tế thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.