(HNM) - Máy bán hàng tự động đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới cách đây hàng nhiều chục năm. Đây là một sản phẩm tiện ích phổ thông với người tiêu dùng.
Ưu điểm nổi bật của máy bán hàng này là tự động từ khâu giao hàng đến thanh toán, giảm thiểu chi phí nhân công, thao tác đơn giản, phục vụ nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng; tránh tình trạng bán phá giá, “chặt chém”, chèo kéo khách hàng, đặc biệt là đối với khách nước ngoài. Hàng hóa bán ra từ máy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Sản phẩm máy bán hàng tự động góp phần tích cực thay đổi thói quen mua sắm của một bộ phận người dân, nhất là phục vụ thiết thực cho người dân cũng như du khách tại các địa điểm công cộng.
Từ những tiện ích trên, có thể thấy việc TP Hà Nội thí điểm triển khai lắp đặt một số máy bán hàng tự động quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, tiến tới nhân rộng ra các địa điểm công cộng trên toàn địa bàn thành phố là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy tối đa tác dụng vẫn còn không ít việc phải làm.
Trước hết, cần đa dạng hóa các chủng loại, sản phẩm bán trong máy, bởi hiện nay mới chỉ dừng ở việc bán đồ uống, chưa có thức ăn, đồ ăn nhanh, do vậy chưa thỏa mãn tối đa nhu cầu người dùng. Tiếp đến là cần đa dạng hóa chức năng, tiện ích, từ những việc đơn giản như nhận tất cả các loại tiền có mệnh giá khác nhau và “biết” trả lại tiền thừa.
Đồng thời, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cung cấp máy bán hàng tự động có thể nghiên cứu, tích hợp nhiều tiện ích trên một máy bán hàng. Cụ thể là ngoài chức năng bán hàng, có thể cung cấp cho khách du lịch về địa chỉ quán ăn, cơ sở y tế, khách sạn… quanh khu vực lắp đặt máy để người dân ngoại tỉnh, hoặc du khách nước ngoài có thể tra cứu khi cần.
Để có thể nhân rộng mô hình máy bán hàng tự động ra toàn địa bàn Thủ đô, mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư hệ thống máy bán hàng tự động cần chủ động liên hệ với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Công Thương để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Theo đó, các doanh nghiệp phải chủ động khảo sát và liên hệ trực tiếp để thỏa thuận vị trí lắp đặt tại các địa điểm thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Đối với các địa điểm công cộng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp Sở Công Thương khảo sát mô hình, hoạt động của các công ty trong lĩnh vực máy bán hàng tự động để đưa ra tiêu chí lựa chọn vị trí phù hợp.
Đáng lưu ý, thành phố cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng quy hoạch mạng lưới lắp đặt máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng trên địa bàn, khuyến khích lắp đặt thí điểm tại các khu vực như: Nhà ga, bến xe, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, siêu thị...
Đồng thời, Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý chất lượng hệ thống máy bán hàng tự động của các doanh nghiệp; phối hợp các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới bảo đảm các tiêu chí: Hiện đại, đồng bộ, tiện dụng (có chức năng sử dụng thẻ thanh toán), đa dạng về sản phẩm và đặc biệt phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và mỹ quan đô thị.
Việc nhân rộng mô hình, tăng số điểm lắp đặt máy bán hàng tự động không chỉ giúp người tiêu dùng làm quen với sản phẩm tiện ích này mà còn góp phần tăng thêm giá trị về hình ảnh văn minh, hiện đại của Thủ đô nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.