Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cơn khát" nhà ở vừa túi tiền

Dạ Khánh| 30/04/2023 13:42

(HNMO) - Sự việc người dân xếp hàng vạ vật từ 2h sáng để ghi số thứ tự xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới đây lại một lần nữa cho thấy "cơn khát" nhà ở vừa túi tiền trong đại đa số người dân. Việc nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền liên tục bị sụt giảm trong 5 năm trở lại đây càng khiến sự lệch pha cung - cầu nhà ở vừa túi tiền thêm trầm trọng...

Nhà ở vừa túi tiền với đa số người dân khan hiếm.

Thiếu trầm trọng nhà ở xã hội

Cuối tháng 3-2023, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua đợt 1 dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm). Có tổng số 225 căn hộ nhà ở xã hội được mở bán, cho thuê trong đợt này, trong đó có 157 căn để bán và 68 căn để cho thuê. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 28-3 đến ngày 11-5-2023. Diện tích căn hộ từ 69,9m² đến 76,8m². Giá bán được phê duyệt là 19.523.116 đồng/m2 (đã bao gồm VAT và chưa có chi phí bảo trì) và giá cho thuê là 99.081 đồng/tháng/m2 (đã bao gồm VAT và chi phí bảo trì).

Như vậy, để sở hữu căn nhỏ nhất tại dự án này, người mua cần bỏ ra hơn 1,39 tỷ đồng; căn diện tích to nhất khoảng 1,5 tỷ đồng. Kể từ khi thông báo, tại sảnh tòa nhà N09B1 khu đô thị Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) - nơi tiếp nhận hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, một tháng qua, ngày nào cũng có người đến từ sớm để ghi số thứ tự xếp hàng ngồi chờ vào nộp hồ sơ. Thậm chí, có những người vạ vật từ 2h sáng với hy vọng lấy được số đầu để vào nộp hồ sơ. Chủ đầu tư cho biết, số lượng hồ sơ đơn vị tiếp nhận đã gấp đôi số lượng căn hộ mở bán, cho thuê đợt này.

Thực tế, không riêng dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án được xây dựng tại các quận nội thành, tình trạng số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn cả số căn hộ khá phổ biến. Vì vậy, không phải người dân nào nộp được hồ sơ là chắc chắn có được một suất mua/thuê mua căn hộ. Các trường hợp này chủ đầu tư đã phải tổ chức bốc thăm “may rủi”, ai trúng phiếu có nhà thì được ký hợp đồng.

Dẫn đến thực trạng này, theo Bộ Xây dựng, là do nguồn cung nhà ở xã hội có giá vừa túi tiền với đại đa số người dân hiện đang rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2022, không chỉ khan hiếm nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng hẳn về phân khúc nhà ở trung và cao cấp; cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022. Số lượng dự án triển khai cũng rất hạn chế.

Trong quý I-2023, cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng. Tại Hà Nội, Sở Xây dựng cho hay, chưa có dự án nhà ở xã hội nào hoàn thành trong quý I-2023. Việc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn càng khiến "cơn khát" nhà ở vừa túi tiền thêm gia tăng.

Các địa phương cần bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Cần sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội: Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu; hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là quá cao, không phù hợp. Các ưu đãi cho chủ đầu tư như: Miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại, được vay vốn với lãi suất ưu đãi… là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng, mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến chưa thu hút, khuyến khích được chủ đầu tư...

Đáng chú ý, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra tại một số tỉnh, thành về việc bố trí 20% quỹ đất của các dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Kết luận chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội ở các tỉnh, thành: Các địa phương chậm xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Một số dự án chưa xác định rõ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Thậm chí, một số địa phương đã quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội nằm ở khu nghĩa trang, hoặc những nơi chưa giải phóng mặt bằng. “Việc này cho thấy các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Để tăng nguồn cung, đồng thời, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, trong đó, tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh hoàn thiện thể chế bảo đảm đồng bộ, khả thi; các địa phương cần quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội - đây là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Việc xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội cần theo hướng bổ sung đầy đủ các yếu tố cấu thành giá nhà ở xã hội. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tăng nguồn cung, phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Cơn khát" nhà ở vừa túi tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.