(HNM) - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg vừa trải qua phiên điều trần tiếp theo trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. |
Các Hạ nghị sĩ Mỹ đã đi thẳng vào vấn đề, thể hiện sự hiểu biết về công nghệ vượt trội hơn các Thượng nghị sĩ trước đó. Điều này khiến Mark Zuckerberg căng thẳng, nhất là khi phải trả lời các câu hỏi "có hay không" một cách dồn dập. Tâm điểm tranh luận dần thể hiện khi Hạ nghị sĩ Anna Eshoo đưa ra những câu hỏi về việc liệu Facebook có thay đổi mô hình kinh doanh để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, đơn cử như việc cho phép người dùng trả tiền để không bị làm phiền bởi các quảng cáo?
Đáp lại, Mark Zuckerberg thay vì trả lời “có” hoặc “không” đã né tránh một cách khéo léo, không đưa ra câu trả lời khi được hỏi, liệu một người dùng không có tài khoản Facebook có thể yêu cầu gỡ các thông tin về mình đã bị đăng tải hay không. Ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới chỉ khẳng định rằng, để thực hiện tốt hơn sứ mệnh kết nối con người, Facebook sẽ miễn phí như bấy lâu nay.
Bên cạnh quảng cáo, tài khoản giả mạo cũng là một trong những vấn đề nổi cộm. Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger lấy ví dụ về việc ông bị giả mạo trên Facebook để lừa tiền và thắc mắc đặt câu hỏi: "Facebook đang xử lý vấn đề này như thế nào?". Đáp lại, Zuckerberg thừa nhận tài khoản giả mạo là một vấn đề lớn, Facebook sẽ sử dụng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo mới (AI) để phát hiện và xóa bỏ các tài khoản kiểu này.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Mark Zuckerberg đã thừa nhận sai lầm trong bê bối lộ dữ liệu 87 triệu tài khoản cá nhân và xin lỗi người dùng. Ông cho biết, Facebook chưa đủ nỗ lực ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu như: Tin giả, sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử, các phát biểu mang tính thù địch, cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng khác...
Nhà lãnh đạo 33 tuổi cũng phủ nhận việc độc quyền, đồng thời khẳng định Facebook là một hãng công nghệ, kinh doanh dựa trên mô hình sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng để quảng cáo đúng mục tiêu (targeted-ad), chứ không phải công ty truyền thông. Trước câu hỏi liên quan tới việc chia sẻ thông tin cho Giáo sư Aleksandr Kogan thuộc Trường Đại học Cambridge (Anh), Mark Zuckerberg khẳng định, Facebook không bán thông tin của người dùng, dù việc chia sẻ thông tin là có xảy ra, nhưng điều này đã được thông báo với người đăng ký tài khoản.
Sau 2 ngày làm việc với hơn 10 tiếng trả lời trước gần 100 quan chức lưỡng viện Mỹ, sự thẳng thắn và trung thực của Mark Zuckerberg được giới truyền thông cũng như các nhà đầu tư đánh giá cao. Sự khéo léo của Zuckerberg thể hiện rất rõ khi trả lời hài hòa các chất vấn về giới hạn quyền kiểm soát của người dùng với dữ liệu của họ mà không bị "dồn vào chân tường".
Tuy nhiên, giới chuyên môn dường như vẫn chưa hài lòng, khi cho rằng ông chủ Facebook chưa nêu rõ cách thức mạng xã hội này quản lý dữ liệu ra sao, phương thức xử lý các tồn tại như thế nào. Điều quan trọng hơn nữa là làm thế nào để tránh việc các quốc gia lợi dụng mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng để can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.