(HNM) - Thời gian gần đây, ngoài thị trường có bán một loại sản phẩm có tên là "viên tiết kiệm xăng" với giá chỉ từ 20.000-40.000 đồng/viên tùy loại. Đây là dạng nén của một số phụ gia, theo quảng cáo, khi sử dụng có thể giúp quá trình cháy hoàn toàn, làm trơn động cơ hoặc làm sạch lớp muội than đóng trên đỉnh piston và phần đầu trên của lòng xilanh, do đó sẽ tiết kiệm được từ 15-30% nhiên liệu, tăng công suất động cơ lên 12%, tăng tuổi thọ piston, giảm tiếng ồn động cơ, cặn bã, khí thải đến 40%... Nghĩa là "viên tiết kiệm xăng" hết sức hữu ích cho ô tô, xe máy và tiết kiệm cho người sử dụng (!).
Về vấn đề này được biết, cho đến nay Bộ Khoa học - Công nghệ chưa cấp đăng ký sử dụng theo quy định về sử dụng phụ gia không thông dụng để sản xuất, chế biến, pha chế xăng, dầu diesel. Còn cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng là Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường và Chất lượng khẳng định chưa cấp bất cứ giấy phép nào cho sản phẩm này tại Việt Nam và cho biết, viên tiết kiệm xăng là hóa chất nhập khẩu nhưng chưa được kiểm định về chất lượng, đặc biệt là các đặc tính liên quan đến an toàn, cháy nổ; người tiêu dùng không nên sử dụng để bảo đảm an toàn.
Thế nhưng một số người tiêu dùng, vì nhiều lý do, đã mua và dùng viên tiết kiệm xăng cho phương tiện của mình. Kết quả là, trái với những lời "có cánh" của quảng cáo và sự bảo đảm (!) của người bán, tiết kiệm xăng đâu chưa thấy, lại thấy máy xe nóng hơn nhiều so với bình thường. Chỉ điều này thôi cũng có thể khẳng định, việc nói sẽ tăng tuổi thọ động cơ, giảm tiếng ồn, khí thải… là không có cơ sở.
Để bảo đảm sự an toàn cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan có trách nhiệm về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa cần có ý kiến chính thức và rộng rãi về việc viên tiết kiệm xăng có được phép sử dụng hay không cũng như sự cần thiết, tính năng, công dụng, cách dùng… của sản phẩm này nếu được phép sử dụng. Cơ quan công an, quản lý thị trường có thể kiểm tra, xử lý việc buôn bán, kinh doanh mặt hàng này như đối với hàng cấm nếu chúng lưu thông mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Còn người tiêu dùng, trước một sản phẩm mới có liên quan trực tiếp đến sự an toàn của phương tiện và tính mạng người điều khiển, lại càng phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi mua, sử dụng, không nên cả tin vào quảng cáo hoặc những thông tin "rỉ tai" để tránh "tiền mất tật mang".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.