Hànộimới đã có cuộc trao đổi cùng tác giả tiểu thuyết này - nhà văn trẻ Nguyễn Thế Hùng.
- "Họ vẫn chưa về" là tiểu thuyết đầu tay, nhưng đã mang lại cho anh giải thưởng VHNT Thủ đô 2009. Ở đây, sự may mắn có ý nghĩa gì không?
- Tôi cũng thấy có một chút may mắn. Bởi lẽ, tiểu thuyết "Họ vẫn chưa về" có những thăng trầm nhất định khi ra mắt độc giả. Nay được một hội nghề nghiệp của Thủ đô ghi nhận, đó là một sự khích lệ ý nghĩa với tôi.
Tuy nhiên, chỉ may mắn thôi thì không phải. "Họ vẫn chưa về" có một số ý tưởng được hình thành từ truyện ngắn "Lộc trời" - tác phẩm được bạn đọc nhớ đến cùng với tên tôi, sau này được ghi nhận bằng giải thưởng Tạp chí VNQĐ. "Họ vẫn chưa về" cũng đã một lần được lọt vào chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cùng với những tên tuổi tôi nể trọng như nhà văn Ma Văn Kháng…
- Anh có thể nói gì với bạn đọc chưa có dịp được đọc tiểu thuyết của mình về hình tượng con hươu sao cũng như thông điệp mà tác phẩm gửi gắm? - Hươu sao là đặc trưng của Hương Sơn - Hà Tĩnh quê tôi, dù được gọi là vật nuôi trong nhà nhưng nó không bao giờ ngoan ngoãn chịu sự… chỉ đạo của con người. Ưa tự do, nếu có dịp là nó chạy tuốt vào rừng. Ở nó có tính khảng khái và cương quyết của những người quân tử, có độ tài hoa và có bản năng gốc rất mạnh. Trên một khía cạnh nào đó, nó gần với chất của đất và người quê tôi. Khi đã quyết làm một việc gì đó thường sẽ đi đến cùng, ví như chuyện học hành, chuyện đánh đuổi giặc ngoại xâm chẳng hạn…
- Dường như, những ấn tượng mạnh mẽ đó đã thôi thúc anh viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai về đề tài này? - Tôi cũng mới bắt tay viết tác phẩm mới này không lâu, dự định đặt tên là "Lối nho nhỏ". Trong "Họ vẫn chưa về" có rất nhiều nhân vật… chưa về, nếu để đứng độc lập thì tác phẩm này đã trọn vẹn một cuốn tiểu thuyết; nhưng để đứng cạnh cuốn mới thì nó sẽ là tập một. Tôi thích lối viết này, ngay cả trong mỗi cuốn tiểu thuyết thì các trường đoạn cũng đã thành một truyện ngắn hoàn chỉnh.
- Là tác giả của nhiều truyện ngắn được dựng thành phim, opera… Liệu tới đây, nếu "Họ vẫn chưa về" được chuyển thể thành loại hình nghệ thuật khác, điều anh mong muốn nhất là gì?
- Các nhà làm phim hãy ngồi lại với nhà văn. Vẫn biết mỗi loại hình nghệ thật đều có ngôn ngữ riêng, nhưng đừng làm "méo mó" tinh thần tác phẩm. Chuyện này đã từng xảy ra khi Đài TH Cần Thơ và Hãng phim Giải Phóng làm phim "Ngọn đèn bốn mặt" chuyển thể từ tác phẩm "Người giữ cồn" đoạt giải nhất cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long của tôi. Hình như một số nhà làm phim đang nghĩ là mình… ban ơn cho nhà văn. Thế nên có những trường hợp thì "được làm phim" nhưng cũng có những trường hợp lại… "bị làm phim".
- Hiện nay nhiều tác giả trẻ viết rất khỏe, được chú ý. Anh có cảm thấy "sốt ruột" không?- Đây là hiện tượng đáng mừng của văn đàn. Vì nhà văn, trước hết phải viết đã, còn sự chọn lọc là của thời gian và bạn đọc. Riêng tôi, tôi viết rất chậm. Vốn là người viết truyện ngắn, nhưng để hoàn thành một truyện được gọi là "ngắn" của mình, tôi cũng phải mất cả tháng. Vì vậy, có lẽ sốt ruột cũng chả được.
- Xin chân thành cảm ơn anh!