Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn thờ ơ

Ngọc Quỳnh| 18/05/2018 07:30

(HNM) - Việc triển khai cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn cho cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn.


Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 21.000 cơ sở sản xuất nông sản và 65 chuỗi cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn. Thực hiện Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 21 điểm kinh doanh thực phẩm của các chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy xác nhận sản phẩm an toàn đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Theo quy định, cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn thì các quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhưng qua kiểm tra, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp Hà Nội phát hiện nhiều cơ sở trên địa bàn thành phố không đáp ứng yêu cầu, nhất là việc cách ly khu sản xuất và chế biến, chất lượng nước, tem nhãn… Ngoài ra, để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, cơ sở chỉ phải bỏ khoản chi phí lấy mẫu, kiểm nghiệm mặt hàng khoảng vài triệu đồng tùy từng sản phẩm và quy mô sản xuất, nhưng rất ít chủ cơ sở quan tâm thực hiện.

Tại thị xã Sơn Tây có làng nghề bánh tẻ Phú Nhi ở phường Phú Thịnh với khoảng 45 cơ sở sản xuất, tập trung tại 3 tổ dân phố Phú Nhi 1, Phú Nhi 2, Phú Nhi 3. Sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi đã đăng ký nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cơ sở còn lại, sản xuất nhỏ lẻ, nên không quan tâm tới việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại làng nghề làm bánh tẻ ở phường Phú Thịnh phát hiện một số cơ sở sản xuất chưa bảo đảm theo quy định. Đơn cử, kho chứa của các cơ sở chưa được sắp xếp ngăn nắp, thiếu bảo hộ lao động, chưa có giấy xét nghiệm chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, thiếu hồ sơ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu làm bánh, trong khi đây là điều kiện để cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn.

Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ cơ sở sản xuất miến dong Thảo Chính ở xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai cho rằng: Chi phí để cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn không nhiều, nhưng cơ sở ngại làm vì thực tế các mặt hàng sản xuất tại đây chủ yếu bán cho thương lái hoặc mang ra chợ dân sinh tiêu thụ.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về kinh doanh sản phẩm phải có tem nhãn, quy trình sản xuất bảo đảm. Các ngành chức năng thành phố cần đẩy mạnh cấp và giám sát việc thực hiện giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất; hướng dẫn các cơ sở sản xuất lập hồ sơ tự công bố chất lượng và thực hiện hậu kiểm nghiêm túc có trọng tâm, trọng điểm và tự chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình khi xuất bán ra thị trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn thờ ơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.