Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ

Thanh Hiền| 28/05/2023 07:40

(HNM) - Những năm gần đây, thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng đã dành sự quan tâm đối với các sản phẩm an toàn, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý rõ ràng… Điều đó cho thấy, thị trường tiêu dùng Việt đang dần phát triển về chiều sâu.

Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm OCOP được giới thiệu tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố mới đây, người tiêu dùng không chỉ chú trọng những yếu tố cơ bản như chất lượng, giá cả..., mà ngày càng quan tâm tới các yếu tố về an toàn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ. Riêng đối với sản phẩm ở một số nhóm ngành, gồm: Thực phẩm, đồ uống... thì những yếu tố về an toàn sử dụng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn trước.

Tương tự, kết quả khảo sát “Thói quen tiêu dùng 2023” của PwC (là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về các dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn pháp lý, thương vụ) cũng cho thấy, dù người dân đang lên kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, song người tiêu dùng vẫn sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững, có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất từ các công ty có uy tín và đạo đức kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Lê Minh Hoa (quận Cầu Giấy) chia sẻ, chị sẵn sàng bỏ ra chi phí xứng đáng cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí là số tiền cao hơn so với các sản phẩm cùng loại, vì sức khỏe của gia đình luôn được đặt lên hàng đầu.

Đánh giá về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, người tiêu dùng Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung đều ưa chuộng các sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường.

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực bắt kịp xu hướng và thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn. Khi thị trường cạnh tranh gay gắt thì việc xây dựng lòng tin nơi khách hàng, minh bạch thông tin, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là yếu tố tạo ra lợi thế để tăng trưởng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu và giúp doanh nghiệp có vị trí vững vàng trên thị trường”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Thực tế từ phía doanh nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) Ma Thị Ninh chia sẻ, những năm qua, hợp tác xã luôn lấy chất lượng sản phẩm an toàn là vấn đề quan tâm hàng đầu để sản xuất hàng hóa. Hiện nay, hợp tác xã có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh, trong đó, bí xanh thơm được chứng nhận 4 sao, gạo nếp tài và miến dong Yến Dương đạt 3 sao. Sản phẩm trà bí thơm chứng nhận hữu cơ PGS, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các sản phẩm đều thực hiện sản xuất, chế biến theo quy trình bảo đảm an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin để yên tâm lựa chọn sản phẩm. Đây là mục tiêu mà hợp tác xã tiếp tục hướng đến trong thời gian tới.

Tương tự, sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý không chỉ góp phần nâng cao giá trị chè, mang lại nhiều ích lợi cho người sản xuất, mà còn tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ. Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà Đặng Ngọc Phố cho biết, trước đây, chè Shan tuyết Hồng Thái chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh, thì nay đã vươn ra các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…, được người tiêu dùng yêu thích.

Nói về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hiện đời sống người dân không ngừng được nâng lên, vì thế, việc lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm. Nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất sạch, làm ra sản phẩm thân thiện môi trường cũng như tăng cường liên kết các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi vòng đời sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.