(HNMO) - Ngày 22/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá.
Liên quan đến Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, dự thảo luật quy định: hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá do Hội đồng quản lý liên ngành chỉ đạo để bảo đảm tính công khai, minh bạch và huy động sự tham gia liên ngành trong quản lý, sử dụng Quỹ; giao cho Bộ Y tế quản lý về hành chính. Hội đồng quản lý liên ngành bao gồm các thành viên kiêm nhiệm.
Dự thảo Luật cũng quy định, Quỹ có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Về nguồn hình thành Quỹ, UBTVQH trình Quốc hội 2 phương án:
* Phương án 1:
a) Hàng năm ngân sách cấp một khoản kinh phí tối đa bằng 2 phần trăm (%) tổng số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm (%) quy định tại điểm này.
b) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế;
c) Nguồn thu hợp pháp khác.
* Phương án 2:
a) Từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng với thu thuế tiêu thụ đặc biệt do doanh nghiệp tự khai tự nộp vào tài khoản của Quỹ.
Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm đóng góp bắt buộc quy định tại điểm này.
b) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế;
c) Nguồn thu hợp pháp khác.”
Góp ý về nội dung trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - TP Hồ Chí Minh nhất trí với cách huy động nguồn thu của quỹ theo phương án 2, bởi nguồn thu của quỹ này phải từ những người sản xuất và sử dụng thuốc lá như một sự đền bù cho cộng đồng, chứ không thể lấy từ nguồn thu ngân sách. Bởi nếu những người lao động bình thường đã phải chịu tác hại của việc hút thuốc lá thụ động mà lại còn phải đóng góp thêm thì rất bất hợp lý.
Ủng hộ phương án 2, đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau cho rằng, cách làm này sẽ giúp tăng thêm hiệu quả giáo dục và ý thức trong cộng đồng khi tham gia trách nhiệm trong quá trình kinh doanh, nhập khẩu, buôn bán thuốc lá. Các cơ sở này phải có trách nhiệm đóng góp để xây dựng một quỹ và không được thông qua bằng nguồn thu thuế rồi sau đó mới trích ra.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thu Anh - Lâm Đồng cho rằng, việc xây dựng quỹ sẽ tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá bền vững và hiệu quả hơn, là bước chuẩn bị tiến tới thành lập một quỹ chung cho mục đích nâng cao sức khỏe.
"Về nguồn thu của quỹ, tôi đồng ý với phương án của Chính phủ trình là trích từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2%. Khoản đóng góp này không ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước và không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp và người trồng thuốc lá. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tính công khai và minh bạch, sử dụng quỹ sao cho thật hiệu quả, đòi hỏi phải có các quy định về tổ chức, cơ chế hoạt động, một số phải phù hợp và nhân sự quản lý phải có tầm", đại biểu Thu Anh nói.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi - Phú Yên lại cho rằng, trong điều kiện hiện nay để xây dựng nhà nước pháp quyền, việc quản lý xã hội và quản lý ngân sách cần được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả, không nên thành lập các loại quỹ ngoài ngân sách. Dự thảo luật quy định thành lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và thuốc này nằm ngoài phạm vi ngân sách là không phù hợp với xu hướng quản lý ngân sách hiện nay.
"Tại Điều 80 của Hiến pháp quy định công dân chỉ có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật nhưng dự thảo luật quy định cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá bắt buộc phải đóng một khoản tiền cho quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Về bản chất đây là thuế gián thu, như vậy cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng thuế kép đối với thuốc lá, tức là vừa phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa phải đóng quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá là không phù hợp với Hiến pháp và cũng không phù hợp với Luật về phí và lệ phí", đại biểu Chi nói.
Theo đại biểu Chi, thay vì thành lập quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để tăng nguồn ngân sách và ưu tiên bố trí ngân sách thích đáng cho việc phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc đưa hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá thành một dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Về giao quyền quản lý quỹ, đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Nam Định cho rằng, việc thành lập hội đồng liên ngành quản lý quỹ chưa hẳn là phương án tối ưu.
"Chúng ta cho rằng nhiều ngành, nhiều cấp tham gia vào thì sẽ công khai, minh bạch, không hẳn là như vậy, thực ra là sẽ cồng kềnh. Một kinh nghiệm thực tế là các hội đồng liên ngành, các tổ chức liên cơ quan thường dẫn đến sự trì trệ, anh được giao nhiệm vụ chủ yếu muốn làm gì cũng phải họp hội đồng, xin ý kiến rất mất thời gian, tôi cho rằng chỗ này nên tính toán lại. Chúng ta nên mạnh dạn giao cho ngành y tế", đại biểu Sơn đề xuất.
Việc tạo nguồn thu cho quỹ không vi hiến
Trước các ý kiến nhiều chiều của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã giải trình thêm những nội dung liên quan đến việc lập quỹ, nguồn thu của quỹ, trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ.
Về phương án thành lập quỹ, Bộ trưởng cho biết, theo phương án thứ nhất, nếu chúng ta trích một khoản không quá 2% thuế tiêu thụ đặc biệt để hình thành quỹ này thì thực tế có thể gặp những khó khăn và bất cập sau:
Thứ nhất, phòng, chống tác hại thuốc lá không hoàn toàn chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, người sử dụng, doanh nghiệp thuốc lá cũng phải có trách nhiệm trực tiếp tham gia. Việc trích từ thuế là ngân sách Nhà nước không hoàn toàn nâng cao được ý thức trách nhiệm của người sử dụng thuốc lá, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc lá đối với sức khỏe của nhân dân cũng dễ dẫn đến cách hiểu là Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả thay cho những người sử dụng thuốc lá và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá.
Thứ hai, việc sử dụng ngân sách rất khó chi cho các hoạt động ở cộng đồng, cho các tổ chức xã hội, cho cơ sở tư nhân, cho công tác truyền thông do đòi hỏi kinh phí và mức chi đặc thù mà cơ chế chi ngân sách hiện nay khó đáp ứng và sẽ khó tạo ra được bứt phá cho hoạt động này, do đó, sử dụng ngân sách vừa tốn tiền ngân sách mà hiệu quả không cao.
Thứ ba, về nguyên tắc nếu như các khoản trích và thu từ thuế thì đều phải chung vào ngân sách rồi mới phân bổ cho các nhiệm vụ chi, cho nên nếu áp dụng mức trích thuế thì sẽ không ổn định. Vì trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nhu cầu đột xuất phát sinh nên sẽ khó có nguồn ổn định và kịp thời cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng động. Điều căn bản hơn là phương thức này không phù hợp với nguyên tắc xã hội hóa của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá và cũng làm hao hụt ngân sách đối với các ngành khác, trong khi thực tế hiện nay, lợi nhuận của ngành sản xuất và kinh doanh thuốc lá khá cao. Theo Bộ trưởng, thuế thuốc lá hiện nay ở nước ta mới chiếm 45% của giá bán, trong khi nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ khoảng 60% - 65%.
Bộ trưởng cũng phân tích, một bất cập nữa là việc trích tỷ lệ phần trăm từ thuế tiêu thụ đặc biệt chính là lấy từ ngân sách Nhà nước sẽ không bảo đảm yêu cầu tập trung thống nhất của ngân sách và không phù hợp với mục tiêu chiến lược cải cách hệ thống thuế là hướng tới chính sách trung lập của hệ thống chính sách thuế, không lồng ghép quá nhiều chính sách xã hội trong chính sách thuế. Đồng thời phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt về mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Bên cạnh đó, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm hạn chế tiêu thụ thuốc lá, không nhằm khắc phục hậu quả của việc sử dụng thuốc lá.
Nếu chọn phương án thứ hai, theo Bộ trưởng, phương án này có ưu điểm rất căn bản. Thứ nhất là khoản đóng góp bắt buộc này có tính bồi hoàn của doanh nghiệp và người sử dụng thuốc lá để chi cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cũng như nâng cao sức khỏe cộng động, làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá mà không làm ảnh hưởng đến ngân sách. Trong thực tế quá trình thảo luận luật, các cơ quan hữu quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương, thậm chí cả Hiệp hội thuốc lá Việt Nam và phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đều đồng tình và cam kết đóng góp vào quỹ. Bộ trưởng khẳng định, quy định này cũng không vi hiến, vi luật, vì phù hợp với quy định của pháp luật về thuế, Luật ngân sách và phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.
Thứ hai, khoản đóng góp bắt buộc này được cộng vào giá bán cho người sử dụng thuốc lá, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá sẽ tự khai, tự tính và tự nộp vào tài khoản của quỹ cùng với quá trình kê khai thuế cho nên sẽ tận dụng được hệ thống thu thuế hiện hành và không làm phát sinh quá nhiều tới bộ máy và nhân lực cho việc thu phí quỹ này.
Thứ ba, việc sử dụng nguồn quỹ từ khoản đóng góp bắt buộc này bảo đảm tính công khai minh bạch, sẽ có Hội đồng quản lý kiểm soát chi như chế độ kiểm toán, báo cáo chặt chẽ, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí tham nhũng. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về thủ tục cơ chế quản lý và chi phí quản lý quỹ.
Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật phòng, chống rửa tiền đã được tiếp thu, chỉnh lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.