Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở để luật đi vào đời sống

Thiện Mỹ| 05/09/2022 07:09

(HNM) - Là lĩnh vực có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt với đời sống kinh tế - xã hội, tác động sâu sắc đến mỗi người dân, hệ thống quy định pháp luật về đất đai đang đòi hỏi phải có lời giải xác đáng cho những vấn đề cuộc sống đặt ra. Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” là cơ sở chính trị quan trọng, là “kim chỉ nam” cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội và mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân…, nên các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã có sự chuẩn bị rốt ráo từ nhiều năm nay. Hiện, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân và theo dự kiến, sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2022). Dự án luật này sẽ được xem xét theo quy trình tại 3 kỳ họp; theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần hai vào kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023) và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023).

Với kế hoạch nêu trên, thời gian để hoàn thiện dự án luật không còn nhiều. Chạy đua cùng thời gian, các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án luật đã quyết liệt, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, vào cuộc từ sớm, chủ động tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương và người dân, doanh nghiệp...

Để dự án luật đáp ứng được mong mỏi của người dân, trở thành động lực cho phát triển đất nước, trong rất nhiều cuộc họp, làm việc, hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều nhấn mạnh đến việc chú trọng lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Gần đây nhất, tại cuộc Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục nhấn mạnh: Quá trình chuẩn bị và xây dựng dự án luật đòi hỏi có sự đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, không chỉ của những cơ quan trực tiếp tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật, mà phải có sự tham gia của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải huy động tối đa trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau.

Chỉ đạo trên cho thấy, người đứng đầu Quốc hội đánh giá rất cao việc tập hợp sức mạnh toàn dân trong xây dựng pháp luật. Song, để hiện thực hóa yêu cầu trên, các cấp chính quyền cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, chú trọng phân tích những điểm mới để người dân hiểu cặn kẽ khi tham gia đóng góp ý kiến vào dự án luật. Mặt khác, khi xây dựng dự thảo, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động chính sách trên nhiều mặt một cách kỹ lưỡng, toàn diện. Kênh thông tin này sẽ giúp mọi chủ thể có cách nhìn tổng quan, đa chiều, từ đó, việc tham gia đóng góp ý kiến được đầy đủ và sâu sắc hơn...

Thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 những năm qua đã cho thấy những bất cập, vướng mắc đang tồn tại ở một số khía cạnh rất điển hình, như trong quản lý đất nông, lâm trường; thiếu cơ sở pháp lý để nhà đầu tư tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn; bất cập về định giá đất... Do đó, căn cứ vào đặc thù, mỗi địa phương cần có phương án hiệu quả thu thập được các ý kiến thực chất. Việc này trước mắt là phục vụ trực tiếp cho chính địa phương mình và trên bình diện chung là phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Cần lưu ý thêm, do là lĩnh vực đặc thù, có tác động sâu rộng đến từng tổ chức, cá nhân, nên chăng, cơ quan soạn thảo xem xét duy trì một kênh mở, kéo dài thời gian thu thập thêm ý kiến đóng góp của nhân dân cho đến trước khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo luật (dự kiến vào kỳ họp thứ sáu, tháng 10-2023). Để việc đóng góp ý kiến thực chất, hiệu quả, cần quy rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, bảo đảm mọi ý kiến có tính chất xây dựng đều được xem xét, trên tinh thần thật sự cầu thị, khách quan, vì lợi ích chung...

Thực hiện tốt việc lấy ý kiến góp ý sẽ giúp cơ quan soạn thảo tiếp nhận được nhiều đóng góp cũng như những phản biện giá trị. Đó chính là cơ sở quan trọng nhằm đưa thực tiễn vào luật và để luật đi vào đời sống, thực sự là căn cứ pháp lý góp phần tạo động lực cho sự phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở để luật đi vào đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.