(HNM) -
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, đối với “taxi công nghệ” thì không nên quy hoạch về số lượng đầu xe. Bởi, “xe công nghệ” hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ do nhà cung cấp dịch vụ mang lại để kết nối phần mềm ứng dụng vào vận tải hành khách bằng ô tô con, chứ không phải phát triển số lượng xe. Ngoài ra, trong quy luật kinh tế thị trường thì không nên khống chế hay kìm hãm sự du nhập của những sáng kiến tiến bộ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô.
Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2010 tới nay số lượng xe taxi truyền thống tại TP Hồ Chí Minh bị khống chế ở mức 11.000 đầu xe. Do đó, thời gian tới, cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp quản lý đầu xe đối với “taxi công nghệ” để phù hợp với quy hoạch số lượng xe taxi của thành phố đã đưa ra.
Theo ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh), đối với “taxi công nghệ”, Sở không khống chế số lượng theo đầu xe vì thực tế loại hình này hoạt động trên nền tảng công nghệ để kết nối với vận tải hành khách bằng ô tô. Sở đang kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận cho TP Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp khống chế số lượng phương tiện dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, còn đối với xe hợp đồng điện tử (còn gọi là “taxi công nghệ”) sẽ chờ Nghị định 86/2014/NĐ-CP sửa đổi quy định về “kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô” có hiệu lực để thực thi.
Nói về dịch vụ vận tải ô tô bằng taxi tại thị trường Việt Nam, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch giao thông đô thị cho rằng, hiện Việt Nam đã là thành viên của WTO, APEC…, do đó, phải tuân thủ theo quy luật của nền kinh tế thị trường, tức Nhà nước sẽ không bảo hộ cho bất cứ đơn vị hay tổ chức kinh tế nào mà phải dựa trên các quy định liên quan để phát triển, nhằm tạo sự minh bạch và công bằng trong cạnh tranh.
“Ngành dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi cũng vậy, theo quy luật chung của nền kinh tế hội nhập, cái nào tiến bộ (như: Công nghệ tốt, dịch vụ ổn, giá thành rẻ, đưa lại sự an toàn cho khách hàng…), tất nhiên sẽ được hưởng ứng và ủng hộ, còn cái nào lạc hậu, chậm đổi mới và phát triển sẽ bị thải loại. Hãy để thị trường điều tiết”, tiến sĩ Sơn nêu rõ quan điểm.
Cũng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các hãng taxi truyền thống thay vì đổ lỗi cho sự xuất hiện của "taxi công nghệ" thì không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm đem lại sự hài lòng nhất cho hành khách. Bởi thực chất, trong kinh doanh, cạnh tranh giữa các mô hình, dịch vụ cũ và mới, hay thương hiệu đều do người dùng quyết định.
Bản chất của loại hình “taxi công nghệ” là tận dụng lượng xe nhàn rỗi trong xã hội để tham gia giải quyết nhu cầu đi lại, trên tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm kẹt xe. Hình thức này gọi là kinh tế chia sẻ và đây là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới. Do đó, các nhà quản lý rất cần cân nhắc về việc nên hay không nên quy hoạch số lượng đầu xe "taxi công nghệ" như đang áp dụng với loại hình taxi truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.