(HNM) - Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một lễ hội lớn, có ý nghĩa rất trọng đại với Thủ đô Hà Nội, với cả nước và toàn dân tộc Việt Nam.
1000 năm sau ngày Thái Tổ Lý Công Uẩn khai lập Kinh đô Thăng Long của Đại Việt, nước Việt nhỏ bé thuở nào đã khẳng định vị thế của mình trên toàn cầu; người Việt hiền hòa, sau lũy tre làng bao nghìn năm giờ đang cùng cộng đồng các dân tộc thế giới hướng tới tương lai. Chúng ta chuẩn bị cho Đại lễ của mình; các bạn quốc tế cũng chào đón lễ hội của chúng ta và chắc chắn rất muốn biết nguồn gốc, lịch sử và nền văn hóa lâu đời của người Việt.
Đúng là cơ hội ngàn năm có một để quảng bá hình ảnh đất nước ta, dân tộc ta, Thủ đô ta, để mở rộng giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kinh tế; để người nước ngoài đến với chúng ta. Chúng ta hoàn toàn có thể giới thiệu, trình bày sinh động qua những kỷ vật, những đồ dùng thiết yếu hằng ngày; trên các tấm bưu thiếp, những đồ lưu niệm mang tính đặc trưng văn hóa truyền thống…
Vậy mà thật tiếc, các ngành dịch vụ - du lịch đang bỏ lỡ, hay ít nhất chưa thấy họ có được những động thái gì khả dĩ nhân dịp hiếm có này.
Thực tế hầu như chưa thấy ngành dịch vụ - du lịch đưa ra được một tiêu chí, một biểu tượng nào để khi nhắc đến, ai cũng biết là Việt Nam đang trên đường tới ngày lễ trọng. Ngành du lịch chưa đưa ra được những "tuyến Nghìn năm", những "địa chỉ Nghìn năm"… dù chỉ trên địa bàn Thủ đô.
Di tích Hoàng thành Thăng Long đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tôi đã từng đến thăm, từng được chiêm ngưỡng nhiều di vật quý giá và tuyệt đẹp như những hình rồng gốm, sứ; những đầu phượng đất nung thời Lý... Nội chỉ hai di vật đó thôi cũng đã có thể làm ra hàng triệu những vật lưu niệm bán cho du khách. Nhiều hình tượng, biểu tượng văn hóa thời Lý, thời Trần hoặc những triều đại khác trong lịch sử ngàn năm của Thủ đô và nước nhà có thể gợi nguồn cảm hứng để làm mẫu sản xuất hàng loạt vật phẩm lưu niệm bán cho du khách hoặc có thể in hàng loạt bưu thiếp dạng Hà Nội xưa và nay. Chúng ta có rất nhiều hình ảnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và hôm nay lại càng nhiều, mà bao năm chỉ để trưng bày, chỉ để chiếu trên TV mà không vật chất hóa, xã hội hóa... cho đồng bào, cho du khách quốc tế được biết, được sở hữu.
Thật tiếc. Hè đến rồi, giới trẻ và không chỉ giới trẻ, rất chuộng áo phông in hình. Sao cứ phải để thanh niên Việt Nam mặc những áo in chữ New York, California, Paris, London mà không phải là Thăng Long, Hà Nội; hay cứ phải là hình ảnh những chàng cao bồi, những chiếc ô tô mà không phải là những gì gợi nhớ tới Thăng Long - Hà Nội. Bình thường có thể họ không thích như vậy, nhưng với dịp Đại lễ, chắc họ sẽ nghĩ khác. Và làm sao để Đại lễ tạo được một tiền lệ hình thành nếp nghĩ người Việt - hàng Việt?
Những điều này đâu phải là không tưởng, đâu phải là khát mong đơn thuần của người viết bài này mà còn là nguyện vọng của rất nhiều người dân Việt luôn tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc.
Tới Đại lễ còn 157 ngày, thời gian còn chẳng bao, nhưng nếu năng động thì thời cơ vẫn còn; vẫn còn thời gian và điều kiện cho những người khát khao tự khẳng định, tự hào dân tộc và biết làm ăn.
Đừng để Đại lễ của chúng ta mà những vật kỷ niệm, hàng lưu niệm lại do người nước khác sản xuất.
Thời gian đang hết, nhưng cơ hội, nếu biết tận dụng, vẫn còn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.