Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội và thách thức

Thái Sơn| 22/12/2015 06:10

(HNM) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 20-12-2015. Như vậy, ngay sau thời điểm nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.



Để thúc đẩy việc thực thi VKFTA, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng và các Tiểu ban chức năng về Thương mại hàng hóa, Hải quan, Phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)…

Tính ra, từ năm 1992 đến năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỷ USD lên 28,8 tỷ USD. Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,1 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc lên tới 21,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu 14,5 tỷ USD từ Hàn Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính lũy kế đến ngày 20-10-2015, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản dẫn đầu trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với 4.777 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 43,6 tỷ USD. Riêng 10 tháng năm 2015, hoạt động đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra ở 17 phân ngành, trong đó tập trung nhiều nhất ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ và xây dựng. Số vốn đầu tư trong bốn ngành này chiếm trên 5 tỷ USD tương đương 96% tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm…

Tóm lại, VKFTA như một "sân chơi" mới mở ra và cơ hội được chia đều cho hai bên. Cụ thể, VKFTA sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Ví dụ, theo cam kết giữa Việt Nam - Hàn Quốc, hạn ngạch miễn thuế đối với mặt hàng tôm lên tới 10.000 tấn/năm, gấp đôi hạn ngạch của 10 nước ASEAN cộng lại và hạn ngạch này sẽ tăng lên 15.000 tấn/năm kể từ năm thứ 6 sau khi Hiệp định có hiệu lực. Hay đơn giản như các mặt hàng tỏi, ớt, gừng là những nguyên liệu không thể thiếu trên bàn ăn của mọi người dân Hàn Quốc, hiện đang được bảo hộ với thuế suất 300-400%, nhưng trong cam kết với Việt Nam, thuế suất nhóm mặt hàng này 10 năm nữa sẽ là 0%...

Để chuẩn bị thích ứng ngay sau khi VKFTA có hiệu lực, sau thời điểm Hiệp định được hai nước ký kết vào ngày 5-5, phía Hàn Quốc đã chuẩn bị cả một "bộ sách giáo khoa" đồng thời thành lập một bộ phận riêng chịu trách nhiệm về VKFTA, sẵn sàng tư vấn, giải đáp những vướng mắc cho các doanh nghiệp về từng nhóm mặt hàng. Như vậy, cũng không có gì là lạ nếu các doanh nghiệp của nước bạn tận dụng tốt thời điểm VKFTA có hiệu lực. Nhưng với các doanh nghiệp của chúng ta, dường như sự hiểu biết về VKFTA cũng chưa được bao nhiêu vậy làm sao tận dụng có hiệu quả cơ hội. Mà như các cụ đã dạy, thời cơ không bao giờ lặp lại, sau này nếu có nhìn ra những chỗ mình có thể phát huy thế mạnh chắc cạnh tranh được chỗ đứng ở "sân chơi" mới cũng không phải dễ.

Đại loại là như thế nên cơ hội và thách thức luôn song hành như hai mặt của một vấn đề và "quả ngọt" chỉ có thể thu hoạch nếu từng doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng cả về tâm thế và sự đầu tư hợp lý, bài bản.

Thời điểm này, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Nếu tính cả VKFTA là 9 hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực. Trong các ký kết FTA, chúng ta nói rất nhiều về cơ hội, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội đó hay không lại là một câu chuyện khác. Khi cơ hội lần lượt trôi qua còn thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam ngày một lớn dần thì việc "thua trên sân nhà" cũng là điều dễ hiểu. Ấy cũng là câu chuyện mà cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp phải suy nghĩ để có hành động phù hợp vượt qua những thách thức này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.