Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội nào cho “tân binh”?

Tuấn Khải| 06/09/2018 07:33

(HNM) - Hãng Hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC đang khẩn trương hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng để có thể có chuyến bay đầu tiên trong tháng 10-2018 sau khi có giấy phép bay từ Bộ Giao thông - Vận tải.

Thị trường hàng không Việt vẫn còn dư địa để phát triển. Ảnh: Tiến Sỹ


Đến thời điểm này, có thể khẳng định, khả năng “cất cánh” của Bamboo Airways đã khá rõ ràng. Ngay trong khi vẫn đang chờ đợi giấy phép bay từ Bộ Giao thông - Vận tải, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết đã chuẩn bị đủ nhân sự phi công, tiếp viên và các bộ phận mặt đất phục vụ hoạt động bay.

Thậm chí, ông này còn tự tin khẳng định, với sự đầu tư bài bản, đội ngũ nhân viên được huấn luyện tốt và đội máy bay mới, Bamboo Airways sẽ lập tức trở thành “người khổng lồ” trong ngành Hàng không sau khi bắt đầu hoạt động.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, mới đây, Tập đoàn FLC đã ký hợp đồng chính thức với Tập đoàn Airbus mua 24 máy bay A321NEO. Số máy bay này sẽ được giao trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025. Trong khi chờ máy bay mới, trước mắt Bamboo Airways sẽ thuê 10 máy bay để sẵn sàng cất cánh.

Theo lãnh đạo Bamboo Airways, chiến lược bay của hãng gắn liền với du lịch. Đó là tập trung khai thác các tuyến bay mà các hãng khác không khai thác để khách hàng không mất thời gian, chi phí trung chuyển, mà có thể đến thẳng các địa điểm du lịch tiềm năng của Việt Nam. Sau khi được cấp phép, hãng sẽ khai thác 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.

Trong nước, hãng sẽ tập trung khai thác các đường bay kết nối các điểm du lịch như: Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang, Hải Phòng - Quy Nhơn...

Với đường bay quốc tế, Bamboo Airways sẽ tập trung vào các tuyến nối Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... đến các điểm du lịch mà Tập đoàn FLC đặt các khu nghỉ dưỡng. Điều đó cũng có nghĩa là dịch vụ vận tải hàng không sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh các khu nghỉ dưỡng.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam nhận định, trong bối cảnh thị trường hàng không liên tục tăng trưởng, việc có thêm thương hiệu mới tức là có thêm sự cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ. Hành khách chắc chắn sẽ được hưởng lợi khi có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.

Trái với sự tự tin sẽ trở thành “người khổng lồ” của lãnh đạo Tập đoàn FLC, không ít chuyên gia lo ngại về cơ hội phát triển của “tân binh” này khi cho rằng tham gia thị trường hàng không vào lúc này là quá muộn. Thị trường nội địa đã bão hòa trong khi thị trường quốc tế có thể sẽ chậm lại trong vài năm tới. Trong quá khứ, một số hãng cũng từng xuất hiện khá ồn ào, nhưng rất nhanh chóng thất bại như Indochina Airlines, Air Mekong...

Hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam đang được phân chia giữa Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air. Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, ngành Hàng không có tính chất độc quyền tự nhiên. Những hãng tham gia sau sẽ khó cạnh tranh với những hãng đã khấu hao tài sản khá lâu, chi phí trung bình đã giảm. Hãng hàng không mới gia nhập thị trường có chi phí rất lớn, giá vé phải đặt ở mức cao, hoặc phải có một nguồn lực mạnh để bù đắp nhằm vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn đầu mới đi vào hoạt động.

Một số ý kiến nhận định, về lâu dài, Bamboo Airways có thể tạo ra nguy cơ cạnh tranh với các hãng hàng không hiện tại, tuy nhiên nguy cơ này trong trung hạn là không lớn và sẽ khó có sự đột phá trong cơ cấu thị trường.

Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến cho rằng dư địa phát triển trong lĩnh vực hàng không vẫn còn và cơ hội vẫn rộng mở cho các hãng bay mới, song sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Điều quan trọng là các hãng mới phải có được sự khác biệt, hướng tới những “hạt nhân” tăng trưởng mới như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ... với nhu cầu di chuyển của khách hàng đang có xu hướng tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội nào cho “tân binh”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.