(HNM) - Dịp cuối năm, giá vàng trong nước tăng khá mạnh theo xu hướng thế giới nhưng giao dịch lại hết sức trầm lắng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm khi nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là giới đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra.
Giá vàng tăng mạnh
Trong suốt nhiều ngày giao dịch của tháng 12-2019, giá vàng trong nước liên tục tăng theo giá vàng thế giới. Tại thời điểm 8h30 ngày 13-12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.474 USD/ounce; giá vàng giao tháng 2-2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.479 USD/ounce...
Giá vàng thế giới biến động liên tục được cho là do thị trường chứng khoán thế giới diễn biến khó lường. Đồng thời, giới đầu tư chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đối với thị trường trong nước, ngày 13-12, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết phổ biến ở mức 41,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,50 triệu đồng/lượng (bán ra)... Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 800 nghìn đồng/lượng chưa tính thuế, phí...
Như vậy, so với phiên giao dịch đầu tiên của năm 2019, giá vàng trong nước tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Nếu đầu tư mua vàng dài hạn, nhà đầu tư đã có thể hưởng lợi nhuận tương đối tốt. Tuy nhiên, giới đầu tư trong nước lại không mấy “mặn mà”, bởi trong suốt một thời gian dài, biên độ dao động của giá vàng quá nhỏ.
Đánh giá về thị trường vàng trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng, đối với giới đầu tư nước ngoài, vàng tiếp tục là một loại tiền tệ thay thế hoàn hảo do tính ổn định và việc sử hữu vàng không gây mất mát bất cứ thứ gì. Đặc biệt là khi so sánh với việc gửi tiền lãi suất âm mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
"Chẳng hạn như Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản, xuống mức mục tiêu từ 1,75% đến 2% trong tháng 9-2019. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục (-0,5%) và đưa ra chương trình mua trái phiếu lớn. Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lại báo hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng lãi suất trong thời gian tới...", Tiến sĩ Bùi Quang Tín thông tin.
Cũng theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín dự báo, giá vàng thế giới có thể tăng khoảng 30%, lên mức 2.000 USD (tương đương 46,2 triệu VND/ounce) vào năm 2020. Như vậy, giá vàng trong nước cũng sẽ tiếp tục đà tăng.
Cùng nhận định, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng - chuyên gia kinh tế, cố vấn Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt cho rằng, việc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có kết quả rõ ràng có thể khiến giá vàng thế giới tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước khó sôi động do mức tăng nhỏ, không đủ hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán thua lỗ
Đối với thị trường chứng khoán, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm, khiến các chỉ số chứng khoán giảm điểm, tác động mạnh tới tâm lý giới đầu tư. Tuy nhiên, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá cao, khoảng 4.548 triệu tỷ đồng, tương đương 195 tỷ USD.
Trong khoảng một tháng qua, chỉ số VN-Index đã có lúc giảm từ 1.025 điểm xuống 960 điểm. Giới đầu tư trong nước tiếp tục lo ngại trước xu hướng cổ phiếu bán ra nhiều hơn mua vào của khối nhà đầu tư ngoại. Vì vậy, chỉ số chứng khoán khó có thể tăng mạnh.
Theo ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank, tính đến thời điểm này, chỉ có khoảng 5% nhà đầu tư có lãi, còn lại là thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số này cho thấy, hoạt động đầu tư kiếm lời ngắn hạn trên thị trường chứng khoán ngày càng khó khăn.
Còn ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, kết quả của chỉ số VN-Index trong tháng 12 hằng năm thường bị chi phối bởi chu kỳ thị trường cổ phiếu.
"Trong chu kỳ cổ phiếu đi lên, như ở giai đoạn 2004-2006 hay 2013-2017, vào tháng 12 các chỉ số chứng khoán thường tăng điểm. Năm 2018 và 2019 là chu kỳ điều chỉnh của thị trường nên kết quả của tháng 12-2019 có thể giảm như đã xảy ra trong tháng 12 năm ngoái", ông Nguyễn Trung Du cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Du, chu kỳ dòng tiền của các quỹ đầu tư lớn tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm. Hiện tại, các nhà đầu tư quốc tế không còn quan tâm đến cổ phiếu tại các thị trường mới nổi - vốn bị coi là tài sản nhiều rủi ro. Thay vào đó, nhà đầu tư tập trung vào trái phiếu chính phủ Mỹ và cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ - được coi là tài sản có độ an toàn cao. Điều này có thể giải thích cho động thái nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 8 đến nay để giảm tỷ trọng cổ phiếu và mua vào các tài sản phòng rủi ro.
Mặc dù đang có xu hướng đi xuống, nhưng nhìn chung, thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, cổ phiếu trở về giá trị thật. Nếu đánh giá đúng giá trị cổ phiếu và lựa chọn thời điểm phù hợp, nhà đầu tư vẫn có thể thu lời từ thị trường chứng khoán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.