(HNM) - “Được giao nhiệm vụ là phải cố gắng hết mình, làm hết trách nhiệm để phát triển phong trào” - đó là những chia sẻ của bà Ngô Thị Hảo, huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh người cao tuổi quận Tây Hồ.
Bà Ngô Thị Hảo (giữa) nhận giải thưởng tại Đại hội TDTT quận Tây Hồ năm 2017. Ảnh: Việt Cường |
Bà Ngô Thị Hảo đến với thể dục dưỡng sinh như một cái duyên. Năm 1991, bà bị chứng đau thần kinh liên sườn. Mới 41 tuổi đã bị chứng bệnh ấy hành hạ nên bà không tránh khỏi bi quan. Trong những năm sau đó, bà phải vật lộn với những cơn đau dù đã sử dụng nhiều loại thuốc. Cơ duyên đã đưa bà đến với Câu lạc bộ Dưỡng sinh phường Xuân La. Chính ở đây, bà được làm quen với những bài thể dục dưỡng sinh đầu tiên để rồi gắn bó cho đến tận bây giờ.
Lý do đầu tiên khiến bà chuyên tâm với thể dục dưỡng sinh là sức khỏe được cải thiện, chứng đau thần kinh liên sườn không còn hành hạ. Kế đến, bà lại đam mê và có khả năng tiếp thu nhanh bài tập cũng như khả năng truyền đạt. Niềm đam mê ấy đã giúp bà cùng Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh phường Xuân La khi ấy rong ruổi khắp Hà Nội trong hơn mười năm để theo học các lớp tập huấn của Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh thành phố nhằm bổ sung kiến thức, cập nhật bài tập mới.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hảo vẫn bảo rằng: "Lúc ấy, tôi và bác chủ nhiệm vẫn đùa nhau là cô trò cùng nhau đi tìm kinh về để dạy lại. Thấm thoắt, quá trình đi học nâng cao kiến thức bằng xe buýt cũng hơn mười năm. Phải đến khi tự đi được xe máy, vào năm 2009 thì tôi mới đỡ mất thời gian hơn”.
Khi được cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh người cao tuổi phường Xuân La, bà Hảo càng thấy phải có trách nhiệm duy trì và phát triển số lượng người tập, số lượng câu lạc bộ trên địa bàn phường. Nhiều người vốn không hào hứng với việc tập luyện thể dục dưỡng sinh nhưng rồi cũng theo tập khi được bà Hảo cùng cán bộ tổ dân cư, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Phụ nữ… tới vận động. Theo bà Hảo, cách tốt nhất để giữ người tập vẫn là giúp họ nâng cao sức khỏe. Để được như vậy, chỉ có cách kiên trì, kiên nhẫn giảng dạy và không giữ bài. Thế nên, từ chỗ chỉ có 1 địa điểm tập, đến nay phường Xuân La đã có 5 địa điểm tập thể dục dưỡng sinh với trên 300 người cao tuổi tham gia.
Cũng từ sự phát triển của phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh ở Xuân La mà bà Ngô Thị Hảo đã được tín nhiệm cử làm huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh quận Tây Hồ từ năm 2014. Khi ấy, phong trào tập luyện ở quận khá “lặng lẽ”. “Nhưng ngay lúc nhận nhiệm vụ tôi đã xác định, mình là đảng viên thì sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ khi được giao. Thế nên, tôi lo thu xếp thời gian làm việc nhà rồi đến các phường để tìm hiểu, vận động các đầu mối ở đó chung tay tìm cách nâng cao sức khỏe cho mọi người, nhất là người cao tuổi. Thực sự, nhiều lúc cũng nản khi sự quan tâm đến phong trào thể thao người cao tuổi ở nhiều nơi cũng có hạn. Nhưng đến lúc này thì tôi vui lắm khi Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao quận đã sâu sát với phong trào và liên tục động viên, hỗ trợ chúng tôi”.
Hiện tại, các phường trên địa bàn quận Tây Hồ đều có điểm tập luyện thể dục dưỡng sinh. Nơi ít cũng có 2 điểm tập luyện, nơi nhiều có 5 điểm. "Để có được điều đó phải có nhiều người tâm huyết như cô Ngô Thị Hảo. Chính các cô - những người âm thầm gây dựng phong trào đã tạo động lực làm việc cho chúng tôi...", anh Dương Hùng Cường, cán bộ Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao quận Tây Hồ, phụ trách mảng thể thao người cao tuổi chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.