(HNMO) - Chiều 12-8, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 2.192 ca mắc Covid-19 (giảm 175 ca so với ngày trước đó). Đây là ngày thứ 4 liên tiếp có số ca mắc trong ngày trên 2.000, cao nhất trong gần 3 tháng qua. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, số ca mắc nặng, phải thở ô xy cũng tăng lên.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.362.540 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.562 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 5.897 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.009.451.
Ngoài ra, có 116 bệnh nhân đang thở ô xy (tăng 53 ca so với ngày trước đó), trong đó, có 86 ca thở ô xy qua mặt nạ, 10 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn và 18 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.096 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tính trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã đứng thứ tư trong các quốc gia có số ca mắc mới cao nhất trong tuần, chỉ sau Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
Nếu xét riêng các nước thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO xếp Việt Nam đứng hàng thứ 3 trong danh sách các nước có số ca mắc mới nhiều nhất, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc.
Điều đáng mừng là Việt Nam chưa xuất hiện trở lại trong danh sách các nước có số tử vong mới cao nhất trong tuần. Kết quả này có được là nhờ vào chiến dịch tiêm vắc xin trên phạm vi cả nước được đẩy mạnh trong thời gian qua.
WHO vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin. Chính vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023 trên cơ sở kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng Covid-19 của WHO với 2 tình huống:
Tình huống 1: Chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly/theo dõi sức khỏe; khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học và hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.