(HNM) - Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ được Đảng, Nhà nước ta coi là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một vấn đề cốt lõi của lĩnh vực khoa học - công nghệ là việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đã có những tồn tại, hạn chế nhất định. Điều này dẫn đến thực trạng khan hiếm nguồn cung hàng hóa khoa học - công nghệ trên thị trường, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, việc phát triển thị trường khoa học - công nghệ đang tồn tại nhiều khó khăn. Trước hết là thể chế, chính sách còn bất cập, thiếu đồng bộ, nên sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học… chưa chặt chẽ, thậm chí ách tắc, nhất là trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ như hiện nay. Việc giao dịch mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong khi đó chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế.
Đáng nói, các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học - công nghệ còn yếu về năng lực, chưa đủ uy tín, chưa có thương hiệu để thúc đẩy giao dịch công nghệ. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước, kết nối với thị trường khu vực và quốc tế cho sản phẩm khoa học - công nghệ lại chưa hình thành. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có đủ năng lực để chủ động tiếp cận nguồn cung công nghệ…
Hiện nay, nhu cầu đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang ngày càng cao. Do đó, số lượng, chất lượng nguồn cung khoa học - công nghệ cũng như sự minh bạch thông tin và việc giảm thiểu các chi phí trong giao dịch mua bán công nghệ đang là đòi hỏi cấp bách nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ cho toàn bộ nền kinh tế.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, từ đó bảo đảm hiệu quả việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các viện nghiên cứu, trường đại học… cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển thị trường khoa học - công nghệ quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế cho thấy, bên cạnh vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học, việc phát triển thị trường khoa học - công nghệ chuyên nghiệp rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, trước mắt cần thúc đẩy phát triển nguồn cung - cầu, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, trường đại học. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Với cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục khơi thông nguồn tài chính phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố tiền đề và cũng là cốt lõi thúc đẩy việc tiếp thu, học hỏi công nghệ tri thức mới và triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Phát triển thị trường khoa học - công nghệ chuyên nghiệp, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng tạo ra nguồn cung tốt, chất lượng cao, đồng thời đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.