(HNMO) - Tôi làm việc ở Báo Thủ đô Hà Nội - sau đổi là Hànộimới - từ năm 1961 đến năm 1985 mới chuyển sang Hội Văn nghệ Hà Nội. Trong hơn 20 năm ấy, đã có biết bao là kỷ niệm về nghề và cũng là về cuộc sống.
1. Hè năm 1959, học sinh Trường cấp III Chu Văn An chúng tôi tham gia lao động xây dựng đường Cổ Ngư thành đường Thanh Niên mới. Một hôm, tất cả đang làm việc thì có lệnh triệu tập về gặp một cán bộ thành phố, “có chuyện quan trọng”. Anh cán bộ hỏi nguyện vọng của chúng tôi khi ra trường. Sau mấy câu hỏi về rất nhiều nghề, có nhiều người giơ tay. Đến nghề nhà báo thì chỉ mình tôi có nguyện vọng.
Thế là hết hè năm ấy, tôi nộp hồ sơ vào học lớp báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương (bây giờ là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Học xong, tôi được Báo Thủ đô Hà Nội (trụ sở ở số 6 Hai Bà Trưng) nhận về làm phóng viên Ban Văn hóa - Xã hội của Báo.
Bài báo đầu tiên tôi được giao viết về tình trạng mất vệ sinh của một cửa hàng ăn. Mở đầu bài, tôi viết: “Vừa bước vào nơi làm bếp của nhà hàng với thịt đang thái, rau đang nhặt và tôm cá đang nằm phơi trên mẹt, một đàn ruồi nhặng bay ào ra đón chào tôi...”. Trưởng, phó ban đọc duyệt bài cười ầm lên và chuyền tay nhau: “Cô này tả thực như nhà văn ấy nhỉ?”.
2. Hồi ấy, cơ quan thường cử tôi đi những chuyến công tác xa, thậm chí rất xa. Đặc biệt là chuyến đi năm 1971, tôi được cử theo đoàn của Chủ tịch UBND thành phố Trần Duy Hưng vào thăm bộ đội đường 9. Trên đường đi, còi báo động ngày nào cũng có. Đêm xuống, cùng gặp gỡ, ca hát, đọc thơ, trò chuyện với các chiến sĩ bằng tuổi em trai tôi cũng vừa đi bộ đội, chúng tôi đều đã khóc vì ngày mai không biết ai còn ai mất. Chuyến đi này tôi viết được mấy bài thơ sau đó đăng báo nhà và Báo Nhân Dân, Báo Văn nghệ…
Nhưng có lẽ tôi nhớ nhất là bài thơ “Gác tư” tôi viết về căn phòng nhỏ mà cơ quan cho ở nhờ trên gác tư của tòa soạn (lúc ấy đã chuyển từ số 6 Hai Bà Trưng về 44 Lê Thái Tổ). Chả là năm 1967, tôi lấy chồng, lễ cưới không có áo dài, com lê, cỗ bàn gì mà là cơ quan cho mượn một phòng họp, kê bàn ghế bày bánh kẹo mua theo tiêu chuẩn cưới ngày đó với nước chè tươi và hai bao thuốc lá cũng trong tiêu chuẩn…
Về ở nhà chồng, căn nhà tranh chỉ rộng 30m2 mà có tới 7 người. Dù chồng tôi công tác trên Tây Bắc, mỗi năm chỉ được về hai lần vào dịp hè và Tết, cả gia đình sinh sống trong căn nhà như thế vẫn là quá chật. Mẹ chồng tôi thường nói: “Tôi chưa thấy ai như chị, đi làm chả ra giờ giấc nào. Hàng xóm người ta cuối chiều là về, chị thì có khi 9 - 10 giờ đêm chưa thấy đâu, rồi có khi đi mấy ngày liền nữa chứ”. Tôi giải thích: “Có khi con phải đi họp buổi tối, về lại phải ngồi viết tin ngay cho báo ngày mai. Báo của con là báo hằng ngày mà mẹ”… Thế là tôi bàn với chồng xin cơ quan cho ở nhờ trên gác tư của trụ sở báo. May mà Tổng Biên tập Hồng Lĩnh đến tận nhà tôi xem tình hình ra sao, sau đó cơ quan đã đồng ý cho vợ chồng tôi ở nhờ. Và tôi đã viết bài thơ “Gác tư” như sau:
“Gác tư
Phòng tôi ở gác tư
Cầu thang bảy mươi bậc
Mở cửa sổ nhìn ra
Một khoảng trời đầy ắp
Sông Hồng trôi trước mặt
Hồ Gươm nằm dưới chân
Đêm giao thừa nhìn xuống
Như xem đèn kéo quân
Mọi người thành nhỏ bé
Hồ thành ao trước nhà
Cây bàng xòe tán lá
Như người lùn che ô
Cây long não cây me
Cây ô môi, cơm nguội…
Như vườn cảnh trong nhà
Mình tôi quen thân hết
Người qua đường ai biết
Cây sấu nào quả sai
Cây phượng nào sắc thắm
Hoa sữa thơm đêm dài…
Thành phố còn chật chội
Cơ quan cho ở nhờ
Xách nước chân mỏi nhừ
Đã lên là ngại xuống
Thế mà tôi yêu lắm
Gác tư đầy trăng sao…”.
Những năm 1973-1979, khi còn ở nhờ trên tầng 4 cơ quan báo, các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Việt Phương và các bạn gái thân Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Hoàng Thị Minh Khanh… đã nhiều lần đến nhà tôi chơi, thăm hỏi ông xã ốm đau. Có lần nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từ chiến trường ra cũng leo 70 bậc cầu thang ghé thăm. Nhắc lại những kỷ niệm này trong tôi vẫn vẹn nguyên nỗi xúc động!
Rất may sau đó cơ quan đã phân cho tôi một nửa căn phòng 24m2, nửa kia dành cho hai phóng viên có nhà ở xa. Sau khi chồng tôi mất, gia đình bên mẹ tôi đã hỗ trợ, giúp tôi mua lại nửa căn hộ của hai đồng nghiệp kia.
Thế rồi sau đó nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Bằng Việt đề nghị tôi về Hội Văn nghệ Hà Nội làm việc. Tôi tạm biệt Hànộimới và bắt đầu một chặng đường mới ở môi trường văn nghệ.
Kỷ niệm về Hànộimới trong tôi luôn đan xen giữa chuyện nghề và chuyện đời. Có thể những gian khó một thời đã gắn kết chúng tôi, làm nên những thế hệ góp sức vào hành trình 65 năm của Báo Hànộimới. Và tôi mong lớp trẻ hôm nay hiểu về thế hệ đi trước, cũng là hiểu về tờ báo mến thương của mình để không ngừng gắn kết trên chặng đường đi tới nhiều gian nan, thử thách và cũng nhiều đổi mới, hy vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.