(HNMO)- Sáng 15-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững.
Lãnh đạo thành phố tham dự hội nghị từ đầu cầu Hà Nội |
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tham gia hội nghị.
Mỗi năm giảm 2% hộ nghèo
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong giai đoạn 2011-2015, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí 47.339,248 tỷ đồng (trong đó ngân sách chiếm 82,05%) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội đã huy động được sự quan tâm, tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù nhằm cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã bố trí khoảng 66.875 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo, học sinh sinh viên; trên 38.757 tỷ đồng thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh các trường dân tộc nội trú. Mỗi năm có trên 2 triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ…
Hà Nội: Nhiều chính sách đặc thù
Kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có sự đóng góp quan trọng của các địa phương. Với việc thực hiện các chế độ, chính sách, giải pháp giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả, trong 5 năm 2011-2015, Hà Nội đã giảm được 129.000 lượt hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 7,52% đầu năm 2011 xuống còn 0,96% cuối năm 2015 (chuẩn thành phố). Tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội theo chuẩn chung cả nước cũng giảm từ 4,6% đầu năm 2011 xuống còn dưới 0,27% cuối năm 2015.
Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, ngoài chính sách chung, Hà Nội còn ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc biệt, điển hình. Đó là nâng mức trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp cho người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động; nâng mức hỗ trợ mưa thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo lên 100%; hỗ trợ chi phí hoả táng cho hộ nghèo; hỗ trợ đầu tư đường dân điện sau công tơ; hỗ trợ xây, sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng…
Ngoài chính sách chung của thành phố, các quận, huyện, thị còn ban hành những chính sách đặc thù như: quận Cầu Giấy xây nhà ở cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn, cấp máy may, máy ép mía, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; quận Thanh Xuân hỗ trợ học nghề và cấp phương tiện làm ăn; quận Long Biên hỗ trợ tiền ăn trưa, tiền đồng phục cho học sinh nghèo; quận Hà Đông xây dựng nhà ở, cấp toàn bộ tiện nghi thiết yếu cho một số hộ đặc biệt khó khăn…
Tăng cường phân cấp, phân quyền
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, giữa các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh, bền vững. Đặc biệt, cơ chế phối hợp, chỉ đạo điều hành ở các cấp. Cơ chế phân cấp, trao quyền còn nhiều bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng; chưa khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cũng như sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng. Chính sách giảm nghèo hiện hành còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống. Nhiều chính sách chưa khuyến khích người ngheo tích cực vươn lên thoát nghèo.
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, cả nước phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5% lần so với cuối năm 2015. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 41.449 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.848 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 2.100 tỷ đồng. Chương trình bao gồm 5 dự án thành phần gồm Chương trình 30a; Chương trình 135; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và 135; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giảm sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có nhiều điểm mới. Trong đó, thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có nhiều điểm mới như: Chuyển mạnh từ cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo; tăng cường phân cấp cho cơ sở, gắn nâng cao năng lực phát huy vai trò cộng đồng theo nguyên tắc, Nhà nước hỗ trợ cho những gì người dân không làm được, nhà nước không làm thay, mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện; tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư.
Hà Nội kiến nghị tăng mức cho vay hộ nghèo
Ngày 13-4-2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND về chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo, chuẩn mức sống trung bình tiếp cận đa chiều. Chuẩn nghèo mới gần gấp đôi chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 của thành phố và cao hơn đáng kể so với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều hiện hành của Chính phủ. Với chuẩn nghèo mới, toàn thành phố hiện còn trên 65.000 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ toàn thành phố và hơn 34.000 hộ cận nghèo, chiếm 1,89% tổng số hộ dân. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn dưới 1,2%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 3%.
Tại hội nghị, TP Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương một số nội dung. Ngoài những kiến nghị đã giải đáp bằng những điểm mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Hà Nội kiến nghị tách riêng nhóm hộ nghèo có đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, nhóm hộ không có khả năng thoát nghèo. Nâng mức cho vay hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo lên 50 triệu đồng/hộ để tăng mức đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.